[RECAP] “CAFE THỰC CHIẾN’ CHỦ ĐỀ 03: ĐẦU TƯ
Nhân lực là tài sản đem lại năng lực cạnh tranh và khả năng bứt tốc cho doanh nghiệp trên thị trường. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực cũng là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Khai thác chủ đề “Đầu tư” trong ngành đạo tạo, số thứ 4 của talkshow “Cafe thực chiến” vừa diễn ra sáng 28/11/2020 đã mang đến những thông tin hữu ích, được giới chuyên môn đánh giá cao.
Xoay quanh câu chuyện của nhà sáng lập Like A Tree – bà Vũ Hạnh Hoa, hai chuyên gia, nhà đào tạo, huấn luyện hàng đầu Việt Nam về truyền thông, marketing, PR gồm ông Nguyễn Đình Thành (Co-founder Elite PR School, CEO công ty tư vấn và đào tạo CSCI Indochina), bà Đỗ Thanh Phương (CEO Plato, Giám đốc chiến lược nội dung Red Monster) đã đưa ra những tư vấn không chỉ hữu dụng cho các doanh nghiệp đang khai thác dịch vụ đào tạo mà còn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.
Sau đây là nội dung tóm tắt chương trình “Đầu tư” nhằm giúp quý vị và các bạn nắm được các vấn đề trao đổi chính. Chi tiết chương trình xin mời xem lại video trên kênh Fanpage/Youtube của CSMO Việt Nam và Senplus.
*CSMO Việt Nam và Senplus giữ bản quyền nội dung này
================================
PHẦN 1: NHẬN BIẾT, THẤU HIỂU THỊ TRƯỜNG
Host Phan Minh Thu: Hạnh Hoa hãy chia sẻ những trăn trở khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh sản phẩm đào tạo của mình?
Ms. Vũ Hạnh Hoa:
Em bắt đầu kinh doanh lĩnh vực đào tạo từ năm 2016.
Từ thực tế các doanh nghiệp “rất đau đầu” khi tuyển dụng và giữ chân sales; ở Việt Nam chưa có trường đào tạo sales bài bản, chuyên nghiệp; em cùng một nhóm anh em đã thành lập công ty HRP để đào tạo và tuyển dụng nhân viên sales cho doanh nghiệp. Nhóm khách hàng mục tiêu là những bạn chưa làm sales và sales mới vào nghề.
Sau khi “đốt” rất nhiều tiền quảng cáo bán khóa học, chúng em phát hiện một insight: Phần lớn người làm sales không coi bán hàng là nghề, mà chỉ là công việc tạm thời. Tâm thế của họ với nghề sales rất ngắn hạn và miễn cưỡng. Thêm nữa, họ cho rằng nghề sales phải học qua thực tế. Kết quả, chúng em lỗ vì học phí thu được không đủ bù cho chi phí.
Cú ngã đầu tiên đến từ việc hiểu, đánh giá chưa đúng nhu cầu của thị trường và khách hàng. Đối tượng mình muốn dạy họ nhưng họ không sẵn sàng học và không đánh giá cao nghề này.
Host Phan Minh Thu: Mặc dù nhu cầu có thật nhưng…
Ms. Vũ Hạnh Hoa:
Cú ngã đó làm chúng em chuyển hướng. Nhờ đó chúng em phát hiện ra nhóm khách hàng doanh nghiệp với “nỗi đau” là tuyển và giữ chân sales. Chúng em thiết kế chương trình nội bộ giúp doanh nghiệp có đội ngũ sales tốt về tư duy, thái độ, kỹ năng, quy trình kịch bản sales. Và công ty bắt đầu có những hợp đồng doanh thu lớn từ đó.
Cuối 2019 – đầu 2020, em lại “ngã sấp mặt” do đầu tư không đúng thế mạnh cốt lõi. Em phát triển nền tảng công nghệ tuyển dụng, lao vào thị trường mình không có hiểu biết, không có trường vốn.
Sau đấy, em nhận ra: Trong thời khắc khó khăn nhất của doanh nghiệp, sự đồng cam cộng khổ của nhân viên, tinh thần của lãnh đạo là điểm sáng. Không phải mỗi công ty em thấy sức mạnh tinh thần là quan trọng. Vì sức mạnh tinh thần là yếu tố cực kỳ quan trọng để con người đứng vững trong thử thách. Và sales là nghề lúc nào cũng bị thử thách.
Từ đó đến nay, em đẩy mạnh đào tạo về tinh thần trong các sản phẩm đào tạo sales cho doanh nghiệp.
Câu chuyện phát triển sản phẩm của em cho thấy chúng ta sẽ có rất nhiều giả định sai, nhưng nó là bài học cho những bước tiếp theo và cứ kiên trì con đường đấy thì sẽ có những giá trị, kết quả tốt cho khách hàng.
Host Phan Minh Thu: Kết quả có vượt qua mong đợi của mình không?
Ms. Vũ Hạnh Hoa:
Nhiều khi bất ngờ. Đầu năm nay, em có hợp đồng tư vấn tuyển sinh cho một trường đại học. Tuyển sinh cũng là sales đúng không chị? Em dùng nhiều kỹ thuật đào tạo tinh thần để thay đổi tâm thế thầy cô từ e ngại thành hào hứng với việc bán hàng. Tháng 10 vừa qua, trường đại học hoàn thành vượt mục tiêu tuyển sinh.
Tức là, kết hợp giữa đào tạo kỹ năng, quy trình kịch bản với tâm thế, sức bền tinh thần ở sales đã có hiệu quả để giải những bài toán cụ thể của doanh nghiệp. Nó sẽ là hướng đi bọn em đẩy mạnh trong thời gian tới.
Host Phan Minh Thu: Hạnh Hoa vừa chia sẻ chuyện làm sản phẩm. Là chuyên gia content marketing, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, Phương có muốn nói gì về case đặc thù này?
Ms. Đỗ Thanh Phương:
Nghe câu chuyện của chị Hoa em chợt nghĩ đến case của mình. Lúc trước, em mở nhiều lớp huấn luyện trải nghiệm khách hàng trong lĩnh vực spa, thẩm mỹ tại Hà Nội, Sài Gòn. Tuy nhiên có một vấn đề, người ta mong muốn chốt sale nhiều hơn là xây dựng trải nghiệm khách hàng vượt trội để có khách hàng trung thành. Thấy rằng thị trường này sẽ không “ăn” với mảng đào tạo đặc thù nên bên em rút về làm nội bộ chứ không public nữa.
Rất giống câu chuyện của chị Hoa. Thực sự mình thấy thị trường rất cần nhưng cuối cùng người học rất ít sự sẵn sàng.
Vì chị Hoa chưa chia sẻ gặp khó khăn gì trong tiếp cận khách hàng nên chắc phải nghe thêm những vấn đề hiện tại thì mới nói tiếp về content marketing được.
Host Phan Minh Thu: Cảm ơn Phương. Anh Thành ơi, theo anh câu chuyện xây dựng thương hiệu về sản phẩm đào tạo của Hoa có đủ lay động khách hàng không?
Mr. Nguyễn Đình Thành:
Điều khách hàng quan tâm là sản phẩm này giúp giải quyết vấn đề gì cho họ. Tất nhiên những câu chuyện hay thì vẫn muốn nghe nhưng chưa chắc là cái khách hàng mong đợi, tìm kiếm.
Tôi lấy ví dụ từ Elite PR School. Tôi lập Elite PR School từ năm 2014 cùng anh Lê Quốc Vinh và anh Phan Tất Thứ nhằm tạo lập cộng đồng làm PR và marketing tử tế. Mục tiêu chính là tạo cộng đồng thì đương nhiên phần kinh doanh khó có thể mạnh như mong đợi. Bản thân chúng tôi cũng có vấp ngã.
Ở góc độ kinh doanh các sản phẩm giáo dục, đôi lúc cũng phải có sự thỏa hiệp giữa cái chúng ta mong muốn và hiệu quả nó có thể mang lại và hoàn toàn có thể có độ chênh giữa mong muốn của chúng ta và cái xã hội thực sự cần.
Thị trường giáo dục – đào tạo nói chung hiện nay rất tiềm năng. Nhu cầu đào tạo rất lớn ở tất cả các doanh nghiệp.
Bài học kinh nghiệm ở đây là các chủ doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ về đào tạo cần có sự hiểu biết và sự dũng cảm để “cân” được cái mình rất thích và cái doanh nghiệp đang thực sự cần.
Host Phan Minh Thu: Nhân câu chuyện của anh Thành, Thu cũng có một vài con số để chia sẻ. Theo báo cáo gần đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới, để đáp ứng yêu cầu từ công việc trong năm 2025 cần có 10 kỹ năng như: phản biện, phân tích, quản lý bản thân, chịu đựng căng thẳng, tính linh động… Ước tính, cứ mỗi 6 tháng, khoảng 40% người lao động sẽ cần đào tạo thêm các kỹ năng mới để thích nghi với nhiều tiêu chuẩn mới. Trong các báo cáo mới nhất của Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận kinh tế tư nhân ở mảng giáo dục đào tạo đang là động lực chuyển biến mạnh mẽ và thúc đẩy cho giá trị nguồn nhân lực ngày một tốt hơn.
Quay trở lại với câu chuyện của Hạnh Hoa, sản phẩm đào tạo của bạn khi được nâng cấp thì khả năng đáp ứng nhu cầu và mức độ phù hợp với thị trường đang được đánh giá thế nào?
Ms. Vũ Hạnh Hoa:
Em đang trên bước đầu tiên phát triển và tối ưu sản phẩm đào tạo sales, tư vấn quy trình kịch bản sales có tích hợp nội dung đào tạo sức bền tinh thần. Em chưa dám khẳng định sản phẩm sẽ ăn khớp, đáp ứng nhu cầu khách hàng hay chưa.
Em cần thời gian và quá trình để có thể thực sự tự tin mình đã nắm bắt đúng nhu cầu thị trường. Thời điểm này nó đã khớp rồi vì bọn em vẫn đang liên tục thử và quan sát hiệu quả của nó.
Host Phan Minh Thu: Tiếp theo mình mong Phương sẽ có những võ mách nước về content marketing cho sản phẩm đào tạo của Hạnh Hoa thế nào để đến gần thị trường của mình hơn?
Ms. Đỗ Thanh Phương:
Với một sản phẩm mới, chưa thử thị trường thì chưa biết nó thành công hay không. Bây giờ nên đặt ra những câu hỏi mang tính chất cơ bản thôi.
Thứ nhất, giá trị cốt lõi là gì? Thứ hai, sự khác biệt của sản phẩm? Vì sao khách hàng nên chọn sản phẩm của chị chứ không phải của người khác.
Từ đấy mới xây dựng content marketing. Content marketing là phần ngọn của cái cây và nó không chỉ là chiêu trò sáng tạo hay miếng võ hiểm mà phải bắt nguồn từ gốc rễ của doanh nghiệp.
Em muốn nhìn thấy chị Hoa nhiều hơn nữa dưới góc độ một KOLs trong lĩnh vực sales, đào tạo sales chia sẻ câu chuyện của bản thân hoặc những cách giúp chủ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Những câu chuyện đó rất hấp dẫn và mang tính thực chiến cao và là cách đơn giản nhất, phát huy được giá trị cốt lõi nhiều nhất khi làm content marketing.
Tất nhiên content marketing còn nhiều yếu tố khác nữa. Nhưng nhìn từ chị Hoa ra thì em nghĩ đó là cách hợp lý.
Các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đều cùng bắt nguồn từ việc phát huy những giá trị của bản thân và điều mang đến cho cộng đồng. Ở chị Hoa, chị thực sự muốn mang điều tốt đẹp đến cho cộng đồng nhưng chưa thể hiện. Điều này rất đáng tiếc.