[RECAP] CAFE THỰC CHIẾN 4: ĐẦU TƯ (Phần 2)

[RECAP] “CAFE THỰC CHIẾN’ CHỦ ĐỀ 03: ĐẦU

Nhân lực là tài sản đem lại năng lực cạnh tranh và khả năng bứt tốc cho doanh nghiệp trên thị trường. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực cũng là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Khai thác chủ đề “Đầu tư” trong ngành đạo tạo, số thứ 4 của talkshow “Cafe thực chiến” vừa diễn ra sáng 28/11/2020 đã mang đến những thông tin hữu ích, được giới chuyên môn đánh giá cao.

Xoay quanh câu chuyện của nhà sáng lập Like A Tree – bà Vũ Hạnh Hoa, hai chuyên gia, nhà đào tạo, huấn luyện hàng đầu Việt Nam về truyền thông, marketing, PR gồm ông Nguyễn Đình Thành (Co-founder Elite PR School, CEO công ty tư vấn và đào tạo CSCI Indochina), bà Đỗ Thanh Phương (CEO Plato, Giám đốc chiến lược nội dung Red Monster) đã đưa ra những tư vấn không chỉ hữu dụng cho các doanh nghiệp đang khai thác dịch vụ đào tạo mà còn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.

Sau đây là nội dung tóm tắt chương trình “Đầu tư” nhằm giúp quý vị và các bạn nắm được các vấn đề trao đổi chính. Chi tiết chương trình xin mời xem lại video trên kênh Fanpage/Youtube của CSMO Việt Nam và Senplus.

*CSMO Việt Nam và Senplus giữ bản quyền nội dung này

================================

PHẦN 2: TRUYỀN THÔNG TRONG DỊCH VỤ ĐÀO TẠO

Host Phan Minh Thu: Anh Thành ơi, dưới góc độ chuyên gia truyền thông thì anh có góp ý hay tư vấn gì để sản phẩm đào tạo của Hoa rực rỡ hơn?

Mr. Nguyễn Đình Thành:

Có 3 keyword cần nghĩ và nhớ đến.

Thứ nhất, chất lượng sản phẩm phải đặt lên trên hết. Cái đấy là nền tảng của việc chúng ta làm. Một khi đã mang đến khách hàng thì phải là sản phẩm tốt: có triết lí, tính ứng dụng, phù hợp với người học. Ví dụ, có người cần thay đổi về thái độ, kiến thức, kỹ năng. Ở cấp độ lãnh đạo thì phải thay đổi mindset nữa.

Thứ hai, cần tạo ra cộng đồng, content để “nuôi” cộng đồng, các hoạt động tương tác với cộng đồng để mang sản phẩm, dịch vụ đến công chúng. Marketing hướng cộng đồng bây giờ không phải xu hướng nữa mà nó là thực tế.

Thứ ba, cần có tranh hợp. Xu hướng hiện nay là hợp tác và cạnh tranh, cạnh tranh trong sự hợp tác. Không có doanh nghiệp nào có thể một mình nuốt trọn thị trường, độc chiếm sân khấu. Chúng ta có thể có sản phẩm gần gần nhau, tình thế có thể biến chúng ta thành những người cạnh tranh bất dĩ hoặc chủ động với nhau. Tuy nhiên, bức tranh lớn vẫn là chúng ta cần phải hợp tác với nhau tạo ra những sân chơi chung để thỏa mãn nhu cầu của cộng đồng, khách hàng. Rồi sau đó khách hàng sẽ có cơ hội lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với họ. Đấy là cách cần phát triển.

Ms. Đỗ Thanh Phương: Em có thể nói thêm một chút được không?

Host Phan Minh Thu: Tất nhiên rồi, mời Phương.

Ms. Đỗ Thanh Phương:

Để content chạm đến công chúng, chúng ta cũng phải quan tâm đến hành trình trải nghiệm khách hàng. Ở điểm chạm này khách hàng muốn nghe sales không hay cần thấy tôi cần học môn này. Ở điểm chạm khác, khách hàng muốn nghe về lợi ích hay muốn biết khóa học này đang có ưu đãi gì.

Khi làm content, khá đông doanh nghiệp bị nhầm lẫn các giai đoạn nên làm viral mà không sales được, tung khuyến mãi nhưng không thu hút được học viên. Với những người chưa hề biết mình thì khuyến mãi là không cần thiết vì lúc đấy người ta đâu biết mình là ai, không có thiện cảm hay mong muốn đến lớp học của mình.

Sau khi em tư vấn cho một khách hàng làm đào tạo phun xăm thẩm mỹ, bạn ấy nhận ra bản thân đang có lợi thế, giống như KOL trong lĩnh vực phun xăm. Bạn lập kênh youtube và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với tôn chỉ không giấu nghề.

Đó là cách làm content từ giá trị cốt lõi và hiểu được trải nghiệm của khách hàng tại từng điểm chạm.

Host Phan Minh Thu: Giữa muôn hình vạn trạng sản phẩm đào tạo đang có trên thị trường, anh chị có lời khuyên gì để giúp khán giả trở thành người mua hàng thông minh?

Ms. Vũ Hạnh Hoa:

Sản phẩm đào tạo là công cụ giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu gì đấy, nên không chỉ mơ hồ là tôi đang cần học. Trước khi đi tìm công cụ để đạt mục tiêu thì phải thật sự rõ ràng mục tiêu mình muốn là gì. Và sau đấy mình tìm hiểu trên cộng đồng, tìm những người đã trải nghiệm sản phẩm đấy.

Ví dụ cùng là bài toán về sales nhưng mỗi một doanh nghiệp sẽ có nút thắt khác nhau. Khi doanh nghiệp có đầu bài rõ ràng thì bọn em có cách để thiết kế ra một sản phẩm rất khác.

Host Phan Minh Thu: Như đã trao đổi sơ qua, không thể cứ đau đâu chữa đấy, đó cũng không phải thứ đào tạo thật sự mong muốn. Anh Thành có bí kíp gì chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp nếu lựa chọn chủ đề đầu tư về nguồn nhân lực?

Mr. Nguyễn Đình Thành:

Trong tất cả nguồn lực doanh nghiệp cần thì nhân lực luôn khiến chúng ta đau đầu. Không phải khó tìm người giỏi mà khó tìm người phù hợp, có hoài bão.

Khách hàng nhận được những gì nhân viên của bạn nhận được. Nếu nhân viên không được quan tâm, tôn trọng thì bạn không thể bắt họ tôn trọng, tận tâm với khách hàng.

Trước khi đặt vấn đề đào tạo cái gì thì chúng ta cần làm cho nhân viên hạnh phúc. Lúc đó họ học cái gì cũng ngấm. Chủ doanh nghiệp cũng phải xem người mình cử đi học, hoặc chương trình đào tạo có thực sự hữu ích cho sự phát triển của người ta không đã.

Chúng tôi có tiếp xúc với một doanh nghiệp mỗi năm đều cử người đi học nhưng năng suất lao động không tăng lên. Hóa ra những người được cử đi học là những người không làm được việc, không phụ trách hoặc có liên quan đến công việc đó. Như thế rất lãng phí.

Điều thứ 2, dùng bộ công cụ ASK để đánh giá nhân viên của mình đang yếu về mặt nào (thái độ, kỹ năng hay kiến thức) thì nâng cao nó lên. Nếu muốn “đôn” quản lý lên làm lãnh đạo thì đào tạo thêm mindset.

Tôi cho rằng thị trường 2021 – 2022 ở Việt Nam, xu hướng sẽ là đào tạo chuyên biệt, đào tạo sâu, chất lượng cao, thực sự giải quyết được vấn đề của doanh nghiệp.

Ms. Đỗ Thanh Phương:

Nói tiếp câu chuyện dự đoán của anh Thành, dưới góc độ content marketing, chúng em cũng có những số liệu thị trường.

Với những ngành cần educate khách hàng nhiều như y dược, sức khỏe, spa, thẩm mỹ, GD-ĐT thì lượng search trên Google Analytics có xu hướng tăng. Khi tìm kiếm về kiến thức mà tăng thì người dùng gần như đi đến quyết định sử dụng sản phẩm, dịch vụ rồi. Đây là tín hiệu khá tích cực cho thị trường.

Làm sao để lựa chọn được khóa học cho nhân viên, doanh nghiệp thì cũng tùy nhu cầu. Em đồng ý với chị Hoa là tùy vào mục tiêu.

Red Monster có quản trị theo mục tiêu: OKR. Quan trọng là mục tiêu cuối cùng. Đừng ngại nó rõ mục tiêu của bạn để được tư vấn phù hợp nhất. Ai làm giáo dục đào tạo đều bắt đầu từ tâm trong sáng và mong muốn mang lại giá trị cho xã hội, cộng đồng.

Tư vấn có tâm là điều chúng em hướng đến để xây dựng cộng đồng học tập thật sự bền vững, đi về chiều sâu và chất lượng. Để như thế thì nó cần bắt nguồn từ giá trị cốt lõi, những điều không bao giờ mất đi của founder, BOD.

Host Phan Minh Thu: Like A Tree cũng đang gây dựng cộng đồng, chia sẻ những điều rất tích cực. Với vai trò nhà sáng lập thì Hoa có bí kíp gì về đầu tư đào tạo có thể chia sẻ cùng khán giả?

Ms. Vũ Hạnh Hoa:

Em hay Like A Tree đều đang trên những bước chập chững. May mắn có anh Thành và Thanh Phương tham dự hôm nay nên em muốn đặt câu hỏi nhờ mọi người cho em lời khuyên.

Bây giờ, khi chưa có nhiều kinh nghiệm, ngân sách làm markekting làm thế nào để emcó thể giữ vững nguyên tắc “say No” với khách hàng không phù hợp và yên tâm là mình sẽ sống sót, hay chấp nhận một số giai đoạn để có khách và khi có một sản phẩm thực sự tốt thì mới đến giai đoạn có thể kén cá chọn canh?

Mr. Nguyễn Đình Thành:

Có hai điểm, liên quan đến quá trình phát triển của doanh nghiệp và chiến lược kinh doanh.

Về quá trình phát triển trong doanh nghiệp có 4 giai đoạn:

  • Tồn tại: Trong quá trình này không thể kén cá chọn canh, nhưng cũng không vì tồn tại mà đạp lên đạo đức, chuẩn mực, quy định pháp luật.
  • Trưởng thành
  • Tốt đến vĩ đại: Lúc này bắt đầu chuyển sang quản trị theo chuẩn mực nhất định.
  • Từ vĩ đại đến trường tồn: Doanh nghiệp muốn để lại gì cho đời sau hoặc có thể có vị trí tốt hơn trong xã hội.

Nếu thực sự yêu việc kinh doanh thì bạn phải chịu được khổ để tồn tại. Lúc này cần áp dụng chiến lược rổ sản phẩm: có sản phẩm cực tốt, tốt vừa, cái mình cực thích làm, thích vừa nhưng phải làm kiếm tiền nuôi quân, thử nghiệm xem mô hình tốt không.

Không có gì xấu hổ nếu phải đi dạy cái gì mình không thích lắm nhưng để tồn tại. Đấy thực ra là điều chúng ta làm nhưng lại không dám thừa nhận điều đó.

Ms. Đỗ Thanh Phương:

Thời điểm này chị Hoa coi trọng cái gì? Sự tồn tại hay muốn làm marketing cho mọi người cùng biết? Nếu làm markekting thì gọi là giai đoạn đầu tư, tất nhiên với điều kiện còn thời gian, ngân sách. Nếu lựa chọn đây là thời điểm phải tồn tại thì em  tin chắc chị biết mình cần gì rồi.

Tại một thời điểm doanh nghiệp không thể lựa chọn quá nhiều mục tiêu. Chúng ta focus vào nhiều mục tiêu có nghĩa chúng ta chẳng focus vào điều gì.

Nếu mình lựa chọn mục tiêu khác và đi đến cùng mục tiêu đấy thì biết đâu thu lại được giá trị. Tuy nhiên, nếu chứng minh được mô hình của mình là đúng thì tại thời điểm đó sự lựa chọn đấy là đúng. Vậy thôi.

Ms. Vũ Hạnh Hoa:

Lời khuyên của anh Thành và Phương đều cho em thấy một điều: Cần biết mỗi giai đoạn ưu tiên điều gì vì nguồn lực có hạn, không thể một lúc làm tất cả các thứ.

Em như được gỡ gánh nặng xuống vì trước đây em muốn cái gì cũng phải tròn.

Host Phan Minh Thu: Cảm ơn sự chia sẻ của mọi người. Con đường gia tăng giá trị nguồn nhân lực không khác gì giúp người nông dân trồng cây trái được nhiều mùa quả, giúp doanh nghiệp làm tốt nguồn nhân lực không chỉ trong nhu cầu trước mắt mà còn về lâu dài. Xin cảm ơn sự theo dõi của quý vị khán giả. Hẹn gặp lại mọi người trong chương trình tiếp theo!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *