RECAP CÀ PHÊ THỰC CHIẾN SỐ 12: “SKINLOSOPHY – LÀM ĐẸP HAY LÀM GIÁ”

Cafe thực chiến số 12 tuần này mang đến câu chuyện của Skinlosophy – một doanh nghiệp trẻ về ngành mỹ phẩm 100% “made in Vietnam” mang trong mình không chỉ là những triết lý sâu sắc về vẻ đẹp của tự nhiên mà còn là những trăn trở, thách thức trên con đường phát triển và khao khát nâng cao vị thế trên thị trường. 

Chương trình có sự tham gia của anh Đỗ Duy Khánh – Co-Founder Skinlosophy và chị Nguyễn Hà Linh – Forbes 30 Under 30, Founder chuỗi nhà hàng Koh Yam Thai nổi tiếng. 

Sau đây là nội dung tóm tắt chương trình “Skinlosophy – Làm đẹp hay làm giá” giúp quý vị và các bạn nắm được các vấn đề trao đổi chính

Host Phan Minh Thu: Như đã giới thiệu, Skinlosophy đã có cơ hội được xuất hiện trên CNN – một trong những kênh truyền thông lớn trên thế giới. Khánh có thể chia sẻ lý do vì sao một thương hiệu của Việt Nam lại xuất hiện trên CNN được không?

Anh Đỗ Duy Khánh: Xin chào mọi người! Trước khi chia sẻ câu chuyện của mình thì Khánh muốn thể hiện sự vinh dự của mình khi xuất hiện trên Cafe thực chiến và cùng chia sẻ với mọi người. Quay trở lại câu chuyện được xuất hiện trên CNN, thì đây cũng là một điều rất bất ngờ đối với Skinlosophy. Bởi trong thời điểm đó, Skinlosophy vẫn chưa có mặt trên bất kỳ một kênh media nào cả. Đội ngũ lúc đó cho rằng mô hình của Skinlosophy vẫn còn quá nhỏ và còn quá nhiều thứ để hoàn thiện. Tuy nhiên một ngày, em nhận được cuộc gọi điện thoại từ CNN với lời mời muốn thực hiện một buổi phỏng vấn với Skinlosophy. Em có hỏi lý do tại sao họ lại lựa chọn thương hiệu của mình, thì họ có đề cập đến chương trình “Growing Vietnam”, và trong khuôn khổ chương trình thì họ muốn nói đến ngành sản xuất của Việt Nam. Ngành sản xuất của nước ta đang phát triển rất mạnh, không chỉ trong lĩnh vực may mặc, viễn thông, nông nghiệp, và trong đó có cả mỹ phẩm. 

Theo thông tin của Euromonitor thì từ năm 2013 – 2018, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đã tăng lên gấp đôi với giá trị khoảng 500 triệu đô, và được kỳ vọng là sẽ tăng lên 850 triệu đô vào năm 2023. Lý do cho sự phát triển này là bởi thị trường khách hàng trung lưu ở Việt Nam đã tăng lên khoảng 13%, và được dự báo là có thể tăng lên đến 26%. Sự tăng trưởng này tạo cơ hội cho mọi người có xu hướng tiêu dùng mới, dành nhiều chi tiêu hơn cho các sản phẩm trung và cao cấp. Đó chính là thị trường mà Skinlosophy hướng tới. 

Khi CNN tìm kiếm trên các diễn đàn làm đẹp thì nhận thấy Skinlosophy là một trong những thương hiệu hiếm hoi mà không có phản hồi tiêu cực. Ngoài ra, Skinlosophy cũng đã xuất hiện trên một số chương trình của Cục xúc tiến thương mại. Điều này cũng góp phần để Skinlosophy nhận được lời mời từ CNN. Sau khi chương trình được phát sóng, thì đại diện CNN một lần nữa tìm đến chúng em. Họ nhận thấy rằng trong số những thương hiệu xuất hiện trong chương trình thì Skinlosophy xứng đáng được khai thác sâu hơn với một bài riêng biệt.  

Em đã suy nghĩ về lý do tại sao CNN lại tìm đến mình, tại sao người Mỹ lại quan tâm tới mỹ phẩm Việt Nam, thì em nhận ra đó là một xu hướng mới về làm đẹp, xu hướng tìm đến những mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên. Nguyên liệu làm đẹp đến từ Tây y đã phát triển rồi, nhưng những nguồn gốc đến từ những bài thuốc Á Đông luôn có một sức hút bí ẩn, câu chuyện muốn khám phá. Sau khi bài báo của CNN về Skinlosophy được đăng tải, thì rất nhiều đối tác trên thế giới đã liên hệ với thương hiệu của em. Họ cũng đồng ý rằng những nguyên liệu tự nhiên mới mẻ, lạ lẫm đang trở thành xu hướng trong ngành làm đẹp, bởi sự thống trị của Tây y đã thống trị ngành công nghiệp mỹ phẩm trong một thời gian quá lâu rồi. Và Skinlosophy xuất hiện với sứ mệnh là đem những bài thuốc cổ truyền của Việt Nam, tối ưu hóa, hiện đại nó lên, kết hợp với những hoạt chất đương đại của Tây y, để trở thành một trường phái mới. Và ở Việt Nam thì em cho rằng Skinlosophy đang là một thương hiệu niche – thương hiệu ngách. 

Host Phan Minh Thu: Khi nghe Khánh kể lại câu chuyện về CNN, thì chị cũng cảm nhận được cảm xúc lúc bấy giờ của đội ngũ Skinlosophy và cho rằng đây không chỉ là một câu chuyện về một sản phẩm, một sứ mệnh, mà lý do chị mời Khánh tham gia chương trình này cũng là để truyền động lực đến các bạn trẻ đang làm trong ngành. Vốn dĩ nguồn nguyên liệu sản phẩm đầu vào cho Skinlosophy là nguồn nguyên liệu đặc thù. Ngoài những công thức, những tiêu chuẩn sản xuất mà mình đã đạt được so với tiêu chuẩn của các phòng lab quốc tế, thì câu chuyện về nguồn nguyên liệu, như nhiều người đã biết, nguyên liệu đông y phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại cây, vùng miền và khá là hạn chế. Vậy việc các bạn lựa chọn, kiểm soát, chuẩn bị và bổ sung những nguồn nguyên liệu đó như thế nào?

Anh Đỗ Duy Khánh: Đây là một câu hỏi khá thú vị bởi vì đây cũng là một vấn đề khá đặc thù. Trong quá trình gần 10 làm việc với vai trò là chuyên viên đào tạo cho nhiều hãng mỹ phẩm lớn trên thế giới, em nhận thấy người tiêu dùng không chỉ có tâm lý ưa thích sản phẩm bản địa, mà họ còn đang dần có xu hướng ưa thích lối sống xanh. Tuy nhiên ở Việt Nam vào thời điểm đó thì thị trường chia làm 2 thái cực. Một là khi sản phẩm được quảng cáo là thiên nhiên, thì nó khá là sơ sài và mang tính handmade. Còn về mặt đông y thì những người làm về mỹ phẩm đông y thì họ có một tư duy theo kiểu làm đông y thì phải đơn sơ, mộc mạc, dụng cụ sản xuất thì phải là rổ, giá,… nguyên liệu thì phải phơi, đãi ra đất, và họ cũng marketing luôn theo chiều hướng đó. Tuy nhiên, Skinlosophy hướng đến đối tượng khách hàng cao cấp, phụ nữ young professional, mỗi tháng họ bỏ ra tối thiểu 1 triệu để mua mỹ phẩm. Họ có kiến thức khắt khe không chỉ về mặt chất lượng mà còn là về mặt thẩm mỹ, tính chuyên nghiệp nữa. Vì vậy, em muốn thay đổi định kiến của mọi người rằng ngành đông y của Việt Nam vẫn còn thô sơ hay hiệu quả chậm chạp. Thực tế thì Việt Nam là một trong 3 nước cung cấp dược liệu trên thế giới, ngành nông nghiệp cũng rất phát triển, các vùng nguyên liệu cực kỳ đa dạng. Và sự may mắn của Skinlosophy, những người làm nông nghiệp là có thể liên kết được với những vùng làm nguyên liệu chuẩn mực và họ có máy móc để điều chế nguyên liệu một cách cao cấp và đạt được tiêu chuẩn quốc tế. Khi đó thì Skinlosophy cũng có sản phẩm tốt. Dược liệu của Việt Nam trước đây chỉ xuất thô, dẫn đến việc giá thành bị đội lên cao, nhưng thời điểm hiện tại thì Việt Nam đã chủ động hơn rất nhiều. Concept của Skinlosophy là mỹ phẩm đông y, và sự phát triển này cũng tạo điều kiện rất nhiều cho thương hiệu phát triển.  

Host Phan Minh Thu: Vậy giờ đối với chị – một người tiêu dùng đang sử dụng sản phẩm Tây y thì em có thể đưa ra được đặc điểm nổi bật để chia sẻ về thương hiệu của mình được không?

Anh Đỗ Duy Khánh: Đúng là Skinlosophy đang đánh vào một thị trường khó, bởi 90% ngành mỹ phẩm tại Việt Nam đang bị thống trị bởi mỹ phẩm nước ngoài. Định kiến về mỹ phẩm của Việt Nam cũng nhiều, khi đó mọi người cũng thường nghĩ rằng mỹ phẩm Việt chỉ đặt ở siêu thị, tạp hóa hoặc những nơi không bán được giá cao. Ở trên các diễn đàn làm đẹp, Skinlosophy cũng thường bị cho là bán giá cao, với giá trị trung bình là 500 nghìn/sản phẩm. “Với giá thành đó khách hàng có thể mua mỹ phẩm nước ngoài nổi tiếng, có uy tín, hiệu quả với giá thành bằng một nửa, tại sao tôi phải bỏ tiền ra mua mỹ phẩm nội địa?”. Tuy nhiên, em đã có kinh nghiệm 10 năm làm trong ngành, tiếp cận với các sản phẩm professional, có tính trị liệu cao, có chất lượng đảm bảo hơn rất nhiều, vì vậy em xác định được những tiêu chuẩn về mỹ phẩm của mình. Hơn nửa đội ngũ nhân sự luôn hiểu rõ được vị trí của mình, cũng luôn cập nhật những xu hướng mới, chất lượng chung của mỹ phẩm trên thị trường. Skinlosophy có sản phẩm chất lượng, tuy nhiên vẫn chưa được coi trọng bởi giá cả, định kiến và xuất phát điểm. Đây cũng là điều mà Skinlosophy nhận thấy rằng đang tự đặt mình vào thế khó khi không đi theo mong muốn của thị trường, tuy nhiên luôn có một niềm tin là thị trường sẽ thay đổi. Kể từ năm 2013, xu hướng làm đẹp đã phát triển hơn nhiều, mọi người đang dần có nhận thức và kiến thức để có những tiêu chuẩn khắt khe hơn. Và đó chính là cơ hội cho Skinlosophy, khi hoàn toàn tự tin cạnh tranh với những thương hiệu quốc tế về chất lượng. 

Em luôn tâm niệm rằng thương hiệu giống như một con người, nếu thương hiệu đủ chất lượng, đủ sâu sắc thì sẽ thu hút được công chúng mục tiêu ở tầng lớp tương đương. Trong quá trình làm branding thì em không muốn phương thức như Hàn Quốc hay Mỹ. Đó là lý do phần visual, content của Skinlosophy luôn có sự khác biệt. Không có nhiều thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam đưa nhiều triết lý vào trong sản phẩm như thế, bởi chỉ có những người thực sự nghiêm túc, đam mê với mỹ phẩm mới thực sự quan tâm và sẵn sàng trả mức giá cao để có được sản phẩm có chất lượng tốt. Về phần content, Skinlosophy không phát triển theo hướng mà những sản phẩm ở phân khúc thấp hơn đã hoạt động, Skinlosophy vẫn đang hoạt động online là chủ yếu. Nếu visual, content và mọi sự xuất hiện của thương hiệu đều hao hao giống những thương hiệu khác, thì không thể nào thu hút được. Tệp khách hàng của Skinlosophy là từ 25-35 tuổi, họ quan tâm đến nhiều thứ về đời sống, về thú vui, về việc làm thế nào để trở thành better woman, nhưng có điểm chung là ưa thích mỹ phẩm. Đó chính là cách để em tạo cho họ thú vui, sự đồng cảm, để cho họ cảm thấy “cô gái Skinlosophy” không phải là một cô gái ba hoa mà thực sự đáng tin cậy, đáng để thử một lần. Trong vòng 8 năm xây dựng thì thì trung bình mỗi tháng Skinlosophy bỏ ra chưa đến 5 triệu cho quảng cáo.

Host Phan Minh Thu: Vậy sau đó Skinlosophy đã tận dụng cơ hội được lên CNN như thế nào cho những bước đi tiếp theo?

Anh Đỗ Duy Khánh: Việc được xuất hiện trên CNN thực sự là một nguồn động lực để đội ngũ nhân sự động viên nhau là Skinlosophy đang đi đúng hướng mặc dù lúc đó thương hiệu cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó thì nhiều nhãn hàng nước ngoài cũng tìm đến để hợp tác, mở rộng kinh doanh, tuy nhiên Covid-19 lại khiến cho mọi kế hoạch và công việc bị chững lại. Nhưng mặt khác thì đó lại là cơ hội để Skinlosophy trau dồi, nâng cấp về sản phẩm, thẩm mỹ, bao bì và cả các quy trình về thủ túc để chuyên nghiệp hơn. Còn trong nước lúc đó thì nhiều kênh media, báo chí cũng tìm đến mình, cũng giúp cho doanh thu của mình tăng lên nhiều hơn. Tuy nhiên, sau sự trôi chảy đó thì cũng dẫn đến nhiều vấn đề như càng bán càng lỗ. Vì chúng em không phải là người có kinh nghiệm về tài chính, kinh doanh nên quyết định đầu tư nhân sự về kế toán tài chính thì nhận ra một số nguyên nhân. Đầu tiên là giá bán lẻ, giá cost chưa tối ưu, và kênh phân phối cũng chưa hợp lý khi làm việc với đại lý về chính sách,… Điều đó dẫn đến một quyết định mới, là thay đổi phương thức kinh doanh, không còn làm việc theo phương thức B2B nữa mà chuyển thành B2C. Và điều này giúp cho doanh thu ổn định hơn, có tiến triển hơn. 

Anh Đỗ Duy Khánh: Quyết định chuyển đổi mô hình này cũng mới diễn ra trong thời gian ngắn. Vì vậy nhân dịp hôm nay có sự xuất hiện của chị Hà Linh, em muốn được hỏi ý kiến của chị về câu chuyện chuyển dịch từ B2B sang B2C với những tư vấn về chiến lược, kinh nghiệm trong lĩnh vực này được không?

Chị Nguyễn Hà Linh: Sau khi nghe câu chuyện của Khánh thì mình nhìn thấy được sự chỉn chu trong tính cách của thương hiệu chạm đến cảm xúc của mình và khiến mình tò mò nhiều hơn. Trong thực tế thì đối với những người sản xuất, việc chuyển dịch phương thức kinh doanh cũng là một bài toán khó từ B2B sang B2C. Trước khi nghe câu chuyện của Khánh thì mình nghĩ rằng làm việc với đại lý là một điều khá tuyệt vời và là mong muốn của rất nhiều nhà sản xuất. Tuy nhiên khi nghe đến câu chuyện về giá cost, về những yếu tố ảnh hưởng đến giá cost của mình thì mình mới nhận ra những vấn đề thực tế. 

Trong quá trình làm việc thì Linh cũng từng làm việc trong lĩnh vực bất động sản và cũng được nghe nhiều chia sẻ về vấn đề này. 2 năm trước, Vinhomes dịch chuyển từ đại lý sang việc thành lập một đội ngũ sales in house, tuyển dụng hàng ngàn sales để toàn bộ database của khách hàng nằm trong tay họ, với một hệ sinh thái khép kín. Họ cũng đặt ra câu hỏi rằng tại sao tôi có cả một hệ sinh thái, khách hàng nằm trong tay tôi mà họ lại không mua hàng qua tôi, mà lại mua hàng qua các đại lý, để tôi vừa phải chia lợi nhuận cho các đại lý, lại vừa khiến khách hàng không mua được đúng giá trị mà lại bị đẩy giá lên. Tuy nhiên, đại lý cũng đang thực hiện rất tốt công việc của mình, từ làm thị trường đến xây dựng thương hiệu cho Vinhomes một cách hiệu quả như vậy. Đó là cái mà những người làm chủ thương hiệu phải cân đối giữa việc chăm sóc đại lý và làm việc với mô hình B2C. Còn một vấn đề nữa trong B2C đó chính là xử lý việc upsale như thế nào, training nhân viên ra làm sao. Bởi đại lý cũng làm thị trường, đầu tư marketing rất nhiều để đẩy giá, đẩy thương hiệu của mình lên. Vậy thì đội ngũ sales, in house của mình làm gì để làm được như đại lý. Với ngành hàng mỹ phẩm thì các kênh điện tử như Shopee, Lazada là những nơi bán hàng trực tiếp, affiliate tiếp cận trực tiếp được với khách hàng. Trong thời điểm này, mọi người hầu như đều dành thời gian online, thì đó chính là nguồn nhân lực khổng lồ dành cho các nhãn hàng có sản phẩm có thể kinh doanh online được. Ở thời điểm dịch bệnh thì phúc lợi dành cho nguồn nhân lực này cũng rất dễ để đàm phán cũng như tiếp cận và đào tạo. Vậy thì đối với doanh nghiệp của Khánh, đây cũng được coi là lợi thế, để đào tạo nhân viên, truyền cảm hứng về tình yêu với mỹ phẩm và ngành làm đẹp. 

Anh Đỗ Duy Khánh: Sau khi nghe chị Linh nói chuyện thì em cũng rút ra được hai yếu tố gợi cảm hứng cho em rất nhiều. Đầu tiên là việc đào tạo nhân viên ra sao để bắt kịp với cách mà các đại lý đã thực hiện. Thứ hai là mở rộng kênh affiliate trong thời điểm này. 

Host Phan Minh Thu: Sau đây thì chị muốn được hệ thống lại những lợi thế của Skinlosophy. 

  • Đầu tiên là thương hiệu phát hiện ra được thị trường ngách, thị trường riêng của mình.
  • Trước đó, chúng ta cũng phải cảm ơn các thương hiệu nước ngoài đã giúp xây dựng nhận thức cho người tiêu dùng Việt về làm đẹp. Để thế hệ trẻ lớn lên, chính là thế hệ khách hàng mục tiêu của Skinlosophy, để họ có thể sẵn sàng chi tiêu cho việc làm đẹp. 
  • Câu chuyện của CNN cũng là một cú hích để thêm cho mình động lực kiên định hơn trong hướng đi của mình. Đây cũng là cơ hội để thương hiệu cân nhắc về việc mô hình B2B có còn phù hợp không, để nhìn nhận lại cách vận hành doanh nghiệp. 

Đây là một chương trình của những người làm marketing và kinh doanh nên chúng tôi không có ý định nói sâu hơn về mặt thương hiệu, sản phẩm mà chúng tôi đang nói đến câu chuyện chuyển đổi, tính thích ứng kịp thời với cơ hội cũng như khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải. Khi lựa chọn affiliate hay B2C thì câu chuyện xây dựng cộng đồng là một yếu tố quan trọng. Thì Hà Linh có thể chia sẻ những bí kíp cho việc xây dựng cộng đồng chung một cách hiệu quả được không?

Chị Nguyễn Hà Linh: Câu chuyện về xây dựng cộng đồng đã được mọi người nói với nhau từ rất lâu rồi. Tuy nhiên phải đến 2 năm đổ lại đây thì Linh mới nhận thấy sức mạnh của việc nắm trong cộng đồng. Hiện giờ đã là câu chuyện để nội dung cho khách hàng nói, người khác nói về tôi như thế nào. Trong số đó thì có một số người là trendsetter, họ là  những người truyền cảm hứng để công chúng sử dụng sản phẩm. Họ sẽ nói ở kênh của họ, và sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu họ nói ở kênh của cộng đồng, nơi có những khách hàng tiềm năng của thương hiệu. Đây là câu chuyện dài hạn, không phải câu chuyện ngày một ngày hai. Thực tế là không phải cứ hàng triệu, hàng nghìn người là sẽ thành công, mà chúng ta phải có một tập hợp những người có chung sở thích, chung mục tiêu có thể trở thành khách hàng tiềm năng, ra được tương tác thì mới ra được chất lượng. Nếu có một cộng đồng chỉ mấy trăm người, nhưng một bài post có rất nhiều người hưởng ứng, chia sẻ sẽ hiệu quả hơn những cộng đồng có hàng triệu người nhưng chỉ có vài vài chục lượt tương tác. Câu chuyện đó phụ thuộc vào người truyền lửa, là Khánh và những affiliate của thương hiệu, cùng nói ở trong đó, để khuấy lên không khí trong cộng đồng. Cụ thể hơn, trong cộng đồng của Khánh, đó không phải là cộng đồng bán hàng online, không chỉ có một mình Khánh nói, mà là một nơi để educate và tập hợp feedback của khách hàng, để nhiều người lên tiếng. Vậy nếu để người khác nói về sản phẩm khác thì lại dẫn đến sự cạnh tranh thì sao?  Nếu chúng ta hiểu theo nghĩa cạnh tranh, thì nó là cạnh tranh, những chúng ta cũng có thể hiểu đó là một cộng đồng – nơi có sự đóng góp của rất nhiều người, đó là sự giao tiếp, lên tiếng. Chúng ta vẫn có thể quản lý cộng đồng bằng những quy định riêng như không được dẫn link, dẫn page, bán hàng online để  nó là một cộng đồng lành mạnh và luật điều hướng vẫn là của mình.  

Thực tế trong lớp học về xây dựng cộng đồng của mình thì chị vẫn chưa thấy một cộng đồng về việc sử dụng nguyên liệu đông y. Tuy nhiên chị thấy đây là thời điểm vàng để bắt đầu xây dựng cộng đồng, khi nhiều người đang ở nhà và có nhu cầu muốn chia sẻ.      

Host Phan Minh Thu: Câu chuyện của Hà Linh mang hơi thở của thực tế. Và một nhà sản xuất như Khánh, cũng chia sẻ những trăn trở, bởi không phải những tương tác vật lý bị mất đi hoàn toàn, những rõ ràng việc cân nhắc giữa việc có bỏ hoàn toàn B2B hay tiếp tục song hành với B2C có thể để dành cho một dịp khác, để doanh nghiệp có thể tự đánh giá sau một thời gian để trải nghiệm. Sau đây sẽ là phần takeaway dành cho quý vị khán giả. 

Anh Đỗ Duy Khánh: Khi bước vào ngành marketing thì cần phải tiệm cận hơn với thế giới, phải mua thật nhiều, tham khảo thật nhiều. Và nếu muốn làm marketing một cách bền vững thì mọi phương hướng đều phải xuất phát từ sản phẩm. Hãy trở thành một người thật khắt khe, thật khó tính để tự tin mang sản phẩm của mình cạnh tranh với các đối thủ quốc tế. Em cũng luôn mong muốn có nhiều hơn đối thủ cạnh tranh trong thị trường ngách này, để nó có thể giãn nở và phát triển, và để educate người tiêu dùng. Cuối cùng, là phải bắt đầu ngay, không chần chừ thực hiện những kế hoạch của mình. Câu chuyện chuyển đổi mô hình kinh doanh cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình kinh doanh. 

Chị Nguyễn Hà Linh: Khi nghe câu chuyện của Khánh thì em nhận ra là nếu mình tập trung vào những điều tiêu cực thì nó sẽ tiêu cực và nếu tập trung vào những điều tích cực thì nó sẽ tích cực. Trong những lúc khó khăn như lúc này thì chúng ta vẫn có rất nhiều thứ có thể làm được như nhìn lại hệ thống vận hành, xây dựng thương hiệu, xây dựng cộng đồng,… Với câu chuyện về nhà hàng Koh Yam Thai đã xây dựng được 5 năm, đã trưởng thành, thì đội ngũ nhân sự và cả khách hàng nữa cũng đã trưởng thành theo thương hiệu của mình. Khi đó, tiếng nói thương hiệu của mình cũng phải khác đi, phải trưởng thành hơn, thì đây chính là lúc để re-branding lại thương hiệu, cải thiện, để khi quay trở lại, khách hàng nhìn thấy thương hiệu của mình ở diện mạo mới.

Host Phan Minh Thu: Cafe thực chiến số 12 có sự tham gia của những nhân vật trẻ, dám nghĩ dám làm mong là đã mang lại cho quý vị làn gió mới, những giây phút có ý nghĩa trong khoảng thời gian khó khăn này. Thay mặt CSMO chúng tôi xin gửi tới quý vị lời chúc sức khỏe, và gửi lời chúc tới hai khách mời ngày hôm nay có những trải nghiệm và thế mạnh của mình để thành công hơn nữa trong tương lai. 

Tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn ở những số sau của Cafe thực chiến.

_________

*CSMO Việt Nam và Senplus giữ bản quyền nội dung này

LIÊN HỆ ĐỂ CÓ THÊM THÔNG TIN VÀ ĐĂNG KÝ TRỞ THÀNH KHÁCH MỜI CHƯƠNG TRÌNH

  • Ms.Diệp: 0833220003 (Thư ký chương trình)
  • Ms.Hà: 0326550448 (Thư ký CLB CSMO Việt Nam)

     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *