[RECAP] CAFE THỰC CHIẾN SỐ 8: TIKTOK – BÍ KÍP CƯỠI KỲ LÂN

Khi mà Tiktok ngày đang càng trở nên thịnh hành, đứng thứ 4 về số người dùng tại Việt Nam, chỉ sau Youtube, Facebook, Instagram, khi mà GenZ đang lựa chọn đây là kênh chính để thể hiện bản thân, thì các thương hiệu phải làm gì để tận dụng, đón sóng và đồng hành cùng nó?

Chương trình Cafe thực chiến số 8 lần này mời các bạn cùng đi tìm hiểu về câu chuyện cưỡi kỳ lân TikTok của DC Media thông qua cuộc trò chuyện với anh Trần Anh Dũng – CEO Học viện thực chiến DC.  Chương trình được dẫn dắt bởi bà Phan Minh Thu – Co-founder, CEO Senplus và sự tham gia của ông Phạm Vũ Tùng – CMO Creative Nature Group.

Sau đây là nội dung tóm tắt talkshow “Cafe thực chiến” số 8, chủ đề “TikTok – Bí kíp cưỡi kỳ lân”. Chi tiết chương trình xin mời xem lại video trên kênh Fanpage/Youtube của CSMO Việt Nam và Senplus.

Chị Phan Minh Thu: Xin chào các bạn đang xem chương trình CFTC của CSMO. Hôm nay chúng ta cùng trò chuyện về TikTok – câu chuyện kỳ vọng sẽ đưa chú kỳ lân công nghệ này đến gần hơn với SMEs Việt Nam, đến với các bạn làm nghề và đến với những người yêu thích chương trình CFTC của CSMO. 

Để bắt đầu chương trình ngày hôm nay thì tôi xin được điểm qua một số thông tin về TikTok: 

  • Hiện nay TikTok đang đứng vị trí thứ 4 trong các nền tảng được nhiều người sử dụng ưa thích nhất
  • Thời gian TikTok chiếm lĩnh thị trường rất nhanh, TikTok vào Việt Nam từ năm 2017 và đến thời điểm hiện nay thì nền tảng này đã có hơn 20 triệu người dùng. 
  • TikTok đem lại rất nhiều cơ hội đến cho khán giả và người dùng. 

Và hôm nay chuyên gia Phạm Vũ Tùng – người đàn ông của những sắc màu và sáng kiến marketing sẽ cùng tham gia với chúng tôi để có thêm nhiều cái nhìn khách quan, chuyên môn hơn.

Ban thư ký có tổng hợp lại list các câu hỏi và sau đây tôi sẽ hỏi nhanh anh Dũng nhé!

  1. Anh Dũng có thể giới thiệu tổng quan về TikTok được không?
  2. TikTok hoạt động như thế nào?
  3. Tại sao lại gọi TikTok là kỳ lân?

Anh Trần Anh Dũng: Xin chào mọi người, mình là Trần Anh Dũng, hiện tại mình là giám đốc của Học viện thực chiến DC. Ngoài ra thì mình phụ trách mảng SMEs của DC Media. TikTok là nền tảng giúp cho người dùng sáng tạo nội dung bằng những đoạn video ngắn, nền tảng này sử dụng chính trên điện thoại. TikTok giúp cho những nhà sáng tạo chạy quảng cáo như những nền tảng khác, tuy nhiên chỉ tập trung vào làm video màn hình dọc.  

Với câu hỏi thứ 2, TikTok hoạt động như thế nào? Mình xin được trả lời như thế này, TikTok là một nền tảng giúp cho người dùng sáng tạo nội dung, trong đó có kho dung lượng nhạc và những hiệu ứng, tuỳ biến video. Ban đầu khi TikTok phát triển ở Trung Quốc thì người sáng lập đã đăng ký TikTok là nền tảng để chỉnh sửa video nhưng về sau thì TikTok đã chuyển thành nền tảng livestream và thương mại điện tử. Hiện tại ở Việt Nam, TikTok dần chuyển sang mô hình livestream và sắp tới là thương mại điện tử. 

Về cách hoạt động, mọi người chỉ cần cài app TikTok và đăng những đoạn video với tỷ lệ 16:9, toàn bộ trên TikTok đều là định dạng video chứ không có bài viết hay status, hình ảnh nào. Khi mà mọi người dùng TikTok sẽ cảm thấy rất cuốn hút, không dễ để rời mắt khỏi. Đó cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi thứ 3 là vì sao TikTok lại trở thành con kỳ lân trên thế giới. Nó không phải con kỳ lân bình thường, TikTok phải gọi là “siêu kỳ lân”. Hiện tại nền tảng này được định giá trong khoảng 75 tỷ đô và có hơn 1 tỷ người sử dụng TikTok trên thế giới. TikTok gần như là xu hướng của toàn thế giới và tại Việt Nam. Và buổi live ngày hôm nay chính là một cơ hội cho người xem, chúng ta được đi trước rất nhiều người và thậm chí nhiều doanh nghiệp hiện nay bỏ qua nền tảng TikTok này. Câu chuyện ngày hôm nay mình sẽ cố gắng chia sẻ hết những góc nhìn tổng quan nhất của một người làm media trên TikTok, chia sẻ góc nhìn của mình làm sao để thành công dễ nhất ở trên nền tảng này.

Host Phan Minh Thu: Những lời chia sẻ của Dũng rất hay và cô đọng. Một số thông tin như việc TikTok được định giá 75 tỷ đô, thị trường của nền tảng này vô cùng rộng lớn, cộng với xu thế của GenZ trong thập kỷ tới thì mình nghĩ rằng buổi nói chuyện của chúng ta hôm nay về TikTok sẽ rất thú vị. 

Dũng có thể chia sẻ cho mọi người về sự khác biệt giữa TikTok và các nền tảng khác được không? 

Anh Trần Anh Dũng: Sự khác nhau giữa nền tảng TikTok với nền tảng Facebook, ở đây mình so sánh trực tiếp với Facebook nhé. Đối với TikTok thì nền tảng này thuần 100% là video, khi người ta lựa chọn TikTok là người ta lựa chọn giải trí bằng video so với giải trí bằng hình ảnh và nội dung như ở trên Facebook. Sự khác biệt thứ 2 là về nội dung quảng cáo. Với facebook thì người ta quảng cáo rất nhiều bằng hình ảnh, video và status còn với TikTok thì quảng cáo chỉ bằng video. Đặc biệt, về vấn đề người dùng, người dùng trên Tiktok chủ yếu từ 16 – 35 tuổi, bây giờ TikTok đang hướng tới những độ tuổi cao hơn không phải tập trung GenZ như giai đoạn đầu nữa. 

Host Phan Minh Thu: Một số ví dụ TikTok giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự khác nhau giữa TikTok và các nền tảng khác. 

Một số clip TikTok nổi bật:

https://drive.google.com/drive/folders/1VjvFZquyo_YtCuvN2cxoFBwEcArNdX6d

Anh Trần Anh Dũng: Đối với TikTok thì chúng ta có thể có nhiều phần tương tác, nhiều hơn rất là nhiều so với facebook. Đối với Facebook thì chỉ có livestream đơn thuần, còn đối với TikTok thì đó là livestream tương tác hay còn gọi là livestream thương mại điện tử. 

Host Phan Minh Thu: Thế tức là hiện tại ở Việt Nam thì TikTok cũng chỉ đang là sáng tạo nội dung thôi, còn các phần tương tác mua bán như một trang thương mại điện tử thì chưa hình thành.

Anh Trần Anh Dũng: Sắp tới sẽ hình thành ạ. Có thể là TikTok sẽ liên kết với Shopee, Lazada, Tiki hoặc Sendo. Cái đó sẽ là tầm nhìn tương lai của họ. Và khi họ liên kết với thương mại điện tử rồi, nếu lượng người dùng lớn thì người ta có thể sẽ xây dựng luôn một trang thương mại điện tử trên nền tảng TikTok nhưng phía sau là kho của riêng mình. Mọi người sẽ mua trực tiếp hàng hóa ngay trên livestream mà không cần qua sàn thương mại điện tử khác. 

Host Phan Minh Thu: DC Media và TikTok đang hợp tác với nhau về mặt nội dung và chưa kết nối với các trang thương mại điện tử khác. Thì điều này chưa có gì khác so với các nền tảng khác. Đều là dựa trên nền tảng tương tác rồi kéo khách hàng về địa chỉ mua bán. Thì mình muốn hỏi là cơ hội nào dành cho SMEs Việt Nam trên nền tảng TikTok này? 

Anh Trần Anh Dũng: Đây là một câu hỏi rất hay bởi lẽ hiện nay nhiều SMEs tại Việt Nam đã bỏ qua cơ hội với TikTok này. Tại vì người ta thấy rằng TikTok chẳng khác gì so với những nền tảng khác. Nhưng giống với việc mình là những người đi trước thì mình sẽ chiếm được những thị phần lớn hơn, Công ty DC Media đã phát triển ở nền tảng TikTok được hơn 1 năm và đang làm top 1 MCN (mạng lưới đa kênh) với TikTok tại Việt Nam và có khoảng hơn 10 tỷ view trên nền tảng TikTok. Và hiện tại công ty mình cũng đã hỗ trợ hơn 100 doanh nghiệp SMEs phát triển rất tốt trên nền tảng này. Rất nhiều kênh của họ đã lên đến hơn 100.000 subscribers, 500.000 subscribers thậm chí là 5.000.000 subscribers. 

Host Phan Minh Thu: Câu trả lời của Dũng đã mở ra cho chúng ta một số khía cạnh khác. Đây là cơ hội của SMEs khi mà cái gì làm sớm thì mình sẽ có kho nội dung trước và đó cũng là tiền đề để mình thu hút khách hàng về kênh của mình trước. 

Anh Phạm Vũ Tùng: TikTok là mạng xã hội giống các nền tảng khác. Nhưng có sự khác biệt cơ bản trong marketing thì các bạn biết rằng là khi chúng ta làm marketing thì chúng ta cũng phải làm branding hoặc communications hoặc trade marketing, … Bình thường trên các nền tảng khác bạn có thể làm được tất cả những điều này. Nhưng ở trên TikTok thì không đơn giản được như vậy. Theo nhận xét của cá nhân mình, TikTok xây dựng những nội dung gần gũi hơn hẳn đối với người dùng. Vậy nếu bạn làm branding, bạn xưng “tôi là một hãng ô tô nổi tiếng”, “tôi là hãng thời trang nổi tiếng”, … mà bạn nói chuyện với người dùng ở trên TikTok là bạn fail luôn. Bằng chứng là tôi đã vào TikTok để tôi xem các thương hiệu nổi tiếng xem họ ở đâu, thì tôi không thấy họ. Cũng có một số các hãng mỹ phẩm hoặc thời trang nổi tiếng đăng lên nhưng họ hoạt động ít, rất ít người xem. Tại sao nó lại như vậy? Tại vì TikTok muốn kéo câu chuyện gần nhất, thật nhất, hữu dụng và thân thiện nhất đến với người dùng và cũng mang tính chất giải trí cao nhất. 

Ví dụ bạn là hãng ô tô nổi tiếng, bạn lên quay video và up lên TikTok thì công chúng lướt qua bạn chưa đến nửa giây. Không phải bạn lên TikTok bạn làm gì cũng được đâu. Có thể bạn rất nổi tiếng trên thế giới nhưng lên TikTok thì bạn là zero. Thế thì công việc của người làm marketing là phải phân biệt được rõ ràng nền tảng nào, dành cho ai, nội dung gì? Chứ không phải là thấy như người ta nói là “ăn khoai thì cũng vác mai đi đào” là sẽ thua luôn. Thì không biết là nhận xét như vậy của mình có đúng không? Dũng cho mình xin ý kiến. 

Anh Trần Anh Dũng: Cảm ơn những chia sẻ rất thật từ anh Tùng. Nền tảng TikTok hiện tại tập trung vào truyền tải giá trị nhiều hơn là những clip buôn bán – như vậy thì công chúng sẽ không xem. Thông thường, những thương hiệu lớn thì người ta đã quen với việc đăng những TVC quảng cáo hoặc những video giới thiệu sản phẩm lên TikTok có ai xem thì xem. Hiện tại TikTok đang phát triển người dùng theo những nội dung giải trí hoặc chia sẻ kiến thức theo series nhiều hơn là selling. Thì nếu một doanh nghiệp khi bắt đầu làm việc với TikTok thì phải có một hướng đi đúng giống như việc mình sẽ chia sẻ nhiều hơn về kiến thức và mình trở thành 1 master trong việc của mình. Chỉ cần chúng ta quảng cáo lộ liễu trực tiếp là người dùng có thể lướt luôn, ví dụ như anh Tùng lên giới thiệu về em, về DC Media tốt lắm, đảm bảo công chúng lướt qua luôn. Nhưng ví dụ như một kênh làm về tóc đi, thì chúng ta sẽ xây dựng hình tượng của một chuyên gia về tóc, channel của mình sẽ chỉ có nội dung về tóc. Ví dụ, 5 kiểu tóc đẹp để đi làm công sở, … thì lúc đó những người đi làm công sở cảm thấy hay thì sẽ xem và like video đó. Khi kênh của mình lên đến tầm 100.000 – 200.000 – 500.000 subscribers thì lúc đó mình mới show ra là phía sau của tôi là một thương hiệu về tóc. Tức là mình thể hiện cho thấy rằng mình rất hiểu người dùng, rất quan tâm người dùng, mình sẽ có được những người ủng hộ mình và ủng hộ cả thương hiệu của mình. 

Host Phan Minh Thu: Câu chuyện này giống như khi mình làm nghề thì mình hay nói là “Bạn phải có một câu chuyện nào đó để kể”. Vì thương hiệu nào cũng cần có một câu chuyện truyền cảm hứng. Thì đối với Marketing truyền thông thì sẽ mất rất nhiều công để đi gây dựng, vun đắp trong một khoảng thời gian dài, thì TikTok chắc cũng không thể đốt cháy giai đoạn bằng việc phải xây dựng những nội dung đó. Nhưng nó được thể hiện bằng những video. 

Anh Phạm Vũ Tùng: Ở góc độ Marketing thì mình thấy đây là một cơ hội. Tại vì gần đây mọi người nói rất nhiều với nhau về chiến lược marketing human to human – tức là thương hiệu như một con người và branding mang tính nhân bản. Đây chính là cơ hội để những thương hiệu làm những công việc làm sao gần gũi nhất với khách hàng của mình, tạo cho họ môi trường tốt nhất, đưa cho họ những cơ hội tuyệt vời nhất, cuốn họ vào trong một cộng đồng mà nó nhân văn nhất. Tất nhiên là trong Marketing thì cũng có KPI, có hiệu suất công việc, có tất cả mọi thứ, .. nhưng đôi khi những điều này nó không thể hiện điều gì cả. Trong khi những chiến lược nhân bản dài hạn, chúng ta xây dựng những tập khách hàng lớn – như Dũng vừa nói là chúng ta reach một cái số lượng fan nhất định thì số lượng fan đấy trở thành tài sản của chính thương hiệu. Chúng ta có thể mang họ đi khắp nơi, kể cả sang nền tảng khác. Mình có thể làm rất nhiều điều đối với nhóm khách hàng trung thành của mình. Thì đây là cơ hội nhưng nắm được cơ hội này thì không hề dễ. Nếu chúng ta xây dựng nội dung thì chúng ta phải có chuyên gia, chứ nếu bạn không có inhouse marketing team thì các bạn xây dựng bằng cái gì? Vấn đề ở đây là chỗ bạn phải có nhân lực bạn mới có thể làm được. Nếu bạn không có nhân lực thì bạn phải đi thuê, vấn đề lại tiếp tục nảy ra, nếu đi thuê thì bạn phải mất tiền đầu tư. Đến chỗ này mình lại hỏi tiếp Dũng là nếu đi thuê mất tiền đầu tư như thế để làm một cái kênh thì chi phí như thế nào? Có lớn hay không? Đối với doanh nghiệp SMEs thì liệu họ có chịu nổi hay không? 

Host Phan Minh Thu: Cưỡi con kỳ lân thực sự không dễ tí nào đúng không ạ? 

Anh Trần Anh Dũng: Em sẽ trả lời câu hỏi của anh Tùng theo cách so sánh, giữa một SME có ngân sách lớn và SME có ngân sách nhỏ họ làm như thế nào. 

Với SME nhỏ, thông thường họ xây dựng channel trên TikTok thì họ chỉ cần có một cái máy quay hoặc điện thoại, thêm concept, nội dung và phải hiểu về các chính sách của TikTok. Về người làm nội dung thì thường sẽ là người của SME đó luôn và người đó để làm được nội dung trên TikTok thì chỉ cần đi học một khoá học, ví dụ như là về TikTok hoặc về xây kênh – những khóa học này trên thị trường có rất nhiều và chi phí khoảng 7.000.000 – 8.000.000. Các bạn đừng nên lướt TikTok xong thấy ai làm được nhiều like là bắt chước làm theo, là sai hoàn toàn. Bởi mỗi ngành hàng, mỗi sản phẩm kinh doanh, mỗi mô hình sẽ làm TikTok theo một dạng khác nhau thì khi đi học các bạn sẽ được dạy và chia sẻ nhiều điều hơn. Như ở bên Học viện thực chiến DC đã xây dựng giáo trình cho rất nhiều ngành nghề, đào tạo có, dịch vụ có, thương mại cũng có, .. gần như là tiếp xúc được với rất nhiều doanh nghiệp đa ngành nghề khác nhau rồi. Thì các SME nhỏ có thể cử một bạn đi học và về nhà xây kênh được luôn. 

Còn đối với các SME lớn có nhiều tiền thì mình có 2 cách. Một là mình đào tạo inhouse về cách xây TikTok. Hoặc cách thứ hai là booking công ty media khác xây dựng kênh TikTok của mình theo định vị thương hiệu và mục tiêu thương hiệu của mình. Những gói đó sẽ follow theo lượt subscribe mà mình mong muốn, đến khi nào kênh TikTok đạt được lượng người theo dõi mong muốn thì bên phía SME sẽ chuyển giao lại những concept, những cách thức tương tác với người dùng, … cho phía SME để bên mình tiếp tục quản lý. 

Anh Phạm Vũ Tùng: Đối với doanh nghiệp sẽ có chiến lược dài hạn và ngắn hạn, nên khi bỏ tiền ra người ta muốn được chi tiêu một cách hợp lý, thu lại được cái gì đó. Thế bây giờ nếu doanh nghiệp bỏ ra một số chi phí để xây dựng lên 1 kênh, nhưng kênh đó lại không phải mang tên của doanh nghiệp. Điều này rõ ràng rồi bởi vì để tên của mình thì không ai xem cả. Kênh này phải hữu ích với một số đối tượng nào đấy. Vậy làm sao để biết đối tượng đó có phù hợp với doanh nghiệp của mình hay không? Ví dụ như xây kênh lên đến 100.000 subscribers rồi nhưng làm sao để biết rằng họ có phải là đối tượng tập khách hàng của doanh nghiệp hay không? 

Anh Trần Anh Dũng: Băn khoăn của anh Tùng hiện nay là không biết trong 100.000 subscribers đó có bao nhiêu người là khách hàng mục tiêu. Tức là bây giờ mình sẽ phát triển khách hàng mục tiêu. Quan trọng nhất của mình đó là trong kênh về tóc kia có 100.000 subscribe sẽ có giá trị hơn so với 1.000.000 subscribers của Sơn Tùng MTP. Bởi lẽ tệp khách hàng khi follow kênh của mình tức là người ta quan tâm đến tóc, quan tâm đến sản phẩm background của mình. Tức là những người quan tâm về tóc, cần chăm sóc tóc thì người ta mới quan tâm đến kênh của mình. Người ta gọi đó là “fan”. Lúc này, ngoài thuật ngữ KOL thì còn thuật ngữ khác là KOC – tức là những người ảnh hưởng tới những khách hàng then chốt. Ví dụ channel của mình là người chuyên gia review những dòng sản phẩm cho mẹ và bé thì khi doanh nghiệp nào có sản phẩm về mẹ và bé tung ra thị trường thì họ sẽ nhờ những KOC quảng và và giới thiệu sản phẩm thì tỷ lệ chuyển đổi sẽ cao hơn so với việc sử dụng KOL chưa từng có em bé. KOL bây giờ mặc dù không dùng sản phẩm đó nhưng họ vẫn giới thiệu, tức là bây giờ họ chỉ “ăn” cái hình ảnh thôi chứ còn việc tác động đến những người tiêu dùng trực tiếp thì phải qua KOC. Và cái mà anh Tùng đang hỏi thì em xin được trả lời là mình sẽ xây dựng channel trở thành một KOC trong một ngành hàng hoặc lĩnh vực nào đó, là cái mà mình muốn hướng khách hàng của mình tới sử dụng sản phẩm hoặc lĩnh vực của mình. 

Host Phan Minh Thu: Đối với TikTok thì việc làm thương hiệu, giữ được thương hiệu đấy được đo lường bằng việc bạn giữ được cộng đồng ấy. 

Anh Phạm Vũ Tùng: Khi các bạn xây dựng nội dung, xây dựng kênh trên TikTok các bạn phải ý thức được rằng nó không phải tên của các bạn đâu. Các bạn phải có chiến lược phù hợp để giữ được tên tuổi của mình. Làm cho người tiêu dùng cảm thấy hứng khởi và cảm thấy hứng thú. Nghiên cứu cái hành trình của khách hàng, nghiên cứu insight khách hàng thật tốt. Không phải mình đổ tiền vào đó là mình ăn ngay, nhưng cũng có thể đến mức độ nào đó mình có được tập khách hàng rồi thì mình đổ tiền vào làm quảng cáo. Và chúng ta cũng phải kết hợp nhiều nền tảng khác nhau nữa để cùng làm chứ một nền tảng thì rất là khó. 

Anh Trần Anh Dũng: Em cũng đã từng thử quan Facebook, Instagram, Youtube nhiều rồi, và em thấy TikTok có một điểm là đi trước và phục vụ đa phần là GenZ nên tệp khách hàng ở trên TikTok khác biệt hoàn toàn so với khách hàng ở các nền tảng khác. Có những sản phẩm/dịch vụ mà chạy trên TikTok sẽ mang lại hiệu quả hơn so với khi chạy trên Facebook. 

Host Phan Minh Thu: Có một câu chuyện thế này, trước khi lên sóng thì hôm qua CSMO có nói chuyện với nhau rằng liệu khi mà mình đã đầu tư kênh, đầu tư nhân lực để xây dựng cộng đồng “fan” trên kênh của mình rồi thì sau đó liệu TikTok có làm những động thái “chủ nhà” hay không? 

Anh Trần Anh Dũng: Khi em xây dựng một channel là “Chuyên review” – là kênh này mua những sản phẩm trên các sàn khác và về review lại xem tính năng của nó như thế nào để quyết định xem có mua sản phẩm đó hay không. Và kênh đó hiện tại lên đến hơn 6.000.000 lượt subscribe. Và khi xây dựng như vậy thì mình không chỉ xây trên TikTok không, mà còn phải chuyển qua cả Youtube, Facebook và Instagram. Khi “Chuyên review” chuyển từ TikTok sang Youtube thì kênh đã lên tên 200.000 lượt subscribe chỉ trong khoảng 2 tháng. Nhưng nếu chỉ làm trên Youtube mà muốn lên 200.000 lượt subscribe trong 2 tháng thì thực sự rất là khó. Và một điều quan trọng nữa là TikTok giữ người dùng, mình phải trở thành một KOC chứ không phải kênh bán hàng thì TikTok sẽ rất tôn trọng mình. Bản thân kênh của mình là nơi giữ người dung cho TikTok nên TikTok sẽ giữ mình lại để mình tiếp tục chia sẻ những kiến thức đó đến những user khác. Nếu người ta khoá channel của mình lại thì mình sẽ chuyển qua Facebook hoặc Youtube phát triển tiếp thì những fan cũ ở TikTok sẽ lại theo mình qua 2 nền tảng kia để tiếp tục theo dõi. TikTok nói chung sẽ muốn “dẫn” mình chứ không “chèn ép” nhưng khi chị ở TikTok mà nói về những nền tảng khác thì chắc chắn sẽ bị bóp reach. 

Một cái hay nữa của TikTok là khi channel của mình đã được xây lên lớn, ví dụ khi mình xây kênh lên đến 100.000 subscribers đi thì mỗi livestream của mình khách hàng sẽ có tương tác hơn. Và tương tác trên livestream chính là xu hướng của năm nay. Tức là nếu nhãn hàng muốn tương tác với người dung trên livestream thì bắt buộc phải sử dụng 1 channel chứ không phải một KOC nữa. Coi như mình đã gom khách hàng của mình lại và khai thác được liên tục. 

Host Phan Minh Thu: Anh Tùng thấy các cơ hội của TikTok mở ra đối với doanh nghiệp như thế nào? Không chỉ SMEs mà cả các nhãn hàng lớn, thì đối với anh, nếu anh là một doanh nghiệp lớn thì sử dụng TikTok không? 

Anh Phạm Vũ Tùng: Đầu tiên là về vấn đề “Có dùngTikTok không”, thì có chứ, không mà có, có mà không. Mình sẽ quay những video trên nền tảng TikTok và kéo về các nền tảng khác để sử dụng. TikTok có những công cụ, những hiệu ứng rất tuyệt vời thể hiện được cá tính của GenZ hiện nay, thể hiện được cái tôi, màu sắc riêng, … Nhưng chúng ta có thể thấy rằng, TikTok là kỳ lân nhưng cưỡi kỳ lân không phải là chơi. Nếu bạn chỉ có điện thoại rồi làm việc với TikTok thì đó chỉ là “sống mòn” thôi. Còn nếu bạn coi TikTok là một trong những công cụ marketing thực sự thì bạn phải đầu tư nghiêm túc, phải có chiến lược dài hạn và có một ngân sách tốt để dành cho nó. Mình tin chắc rằng thì kênh đã có lượng fan như vậy thì đúng như Dũng nói, khi mà livestream sẽ có hiệu quả tuyệt vời. 

Một câu chuyện ngoài lề như thế này, mình có rất nhiều bạn bè hay xem livestream bán hàng. Mình thắc mắc tại sao lại xem thì mọi người bảo xem livestream xả stress mà cũng vui. Và tin không chính thức là tại Việt Nam chuẩn bị có shark đứng ra thành lập học viện livestream. Tức là cuối cùng livestream sẽ trở thành 1 kỹ năng không thể thiếu trên các nền tảng mạng xã hội và là một trong những công cụ rất tốt để doanh nghiệp có thể tiếp cận được khách hàng của mình. Rõ ràng là thời đại công nghệ giờ nó là như vậy, nếu chúng ta không đón lấy nó, không thực hiện được nó, thì rõ ràng là chúng ta đã tự mình loại bỏ đi một công cụ hết sức hữu hiệu. 

Host Phan Minh Thu: Có nhiều người thắc mắc về việc tương tác trên TikTok khác gì so với tương tác trên các nền tảng khác?

Anh Trần Anh Dũng: Ví dụ đơn giản thế này đi, nếu bạn lên TikTok để giới thiệu “Xin chào mọi người mình là … đến từ …” vừa nghe xong câu đó là người dùng có thể lướt qua luôn video của bạn, không xem nữa rồi. Nhưng bên TikTok có điều này rất là hay để giúp cho mọi người duy trì được kênh của mình, không đi vào ngõ cụt, không sợ bị thiếu nội dung. Bình thường intro mọi người vào là giới thiệu về thương hiệu luôn, nhưng xu hướng giờ khác rồi, người dùng muốn ban đầu vào xem những gì kiến thức có lợi với họ đã. Ví dụ như làm một video hướng dẫn quay TikTok, thì ban đầu mình vào mình sẽ chia sẻ luôn cách quay một video như thế nào rồi sau đó cuối video mình mới nói về bản thân mình, lúc này mình mới kêu gọi họ ủng hộ, để lại cmt nếu có thắc mắc. Và khi họ để lại bình luận, mình sẽ làm những video khác để trả lại phần bình luận đó. Thì gần như là mình không cần phải đi nghiên cứu insight nữa. Dựa theo những insight họ cmt bên dưới, thì vừa có định tính lại có định lượng luôn. Định tính là người ta hỏi những câu mình chưa bao giờ nghĩ ra luôn. Thay vì mình đi suy nghĩ thì giờ người ta đã hỏi mình luôn rồi. Thì điều này sẽ giúp mình duy trì kênh rất tốt. Đó là cách mà mình đã xây dựng cho rất nhiều channel. Đừng nên kêu gọi người dùng “like” hay “share” đi, kêu gọi như thế sẽ khiến họ cảm thấy bị bắt ép. Hãy kêu gọi họ để lại bình luận và mình chia sẻ kiến thức dựa trên những điều họ bình luận, họ thắc mắc. Nếu những video nào hay thì họ sẽ chủ động thả tim để sau này có thể xem lại được. Thêm nữa là khi công chúng để lại cmt như thế là đã giúp mình đẩy tương tác, lượt tiếp cận lên rồi, càng nhiều cmt thì tương tác càng cao. 

Host Phan Minh Thu: Thực ra nhiều nền tảng cũng cho rằng “like”, “share” không quan trọng bằng việc để lại bình luận tương tác, đúng không anh Tùng? 

Anh Phạm Vũ Tùng: Tương tác rất là quan trọng, như Dũng vừa nói thì tương tác đẻ ra tương tác, cực kỳ logic. Tại vì là nhiều khi người dùng đi theo logic tự nhiên thì sẽ tốt hơn rất nhiều so với cái mà chúng ta kêu gọi. Điều này bật ra rất tự nhiên và trở thành một dòng suối – cái mà nó khác biệt so với những nền tảng khác. Và thật ra thì đối với những người làm marketing thì bạn phải hiểu rõ nền tảng đó, những khách hàng, những kỹ thuật của nền tảng đó rồi sau bạn mới có đầu tư và xây dựng kênh chính xác được. 

Qua cuộc trò chuyện vừa rồi thì tôi xin được tổng hợp vấn đề lớn, đó là doanh nghiệp của bạn có team inhouse thì kiểu gì cũng phải đi học. Còn nếu không có team inhouse thì bạn phải thuê tư vấn, và phải có agency làm việc cho bạn. Nhưng rõ ràng là đầu tư thì sẽ có những hiệu quả back trở lại xứng đáng với những gì mà mình đầu tư. Đó là câu chuyện mà hôm nay chúng ta nói, làm sao để cưỡi được TikTok? Nhưng làm sao để cưỡi như một nghệ nhân thì là câu chuyện hoàn toàn khác. Đây là cái mà chúng ta đang hướng tới và rèn luyện hàng ngày. Tại vì chúng ta không thành nghệ nhân thì không thể xuất sắc được mà không xuất sắc thì chúng ta không thể nào chiếm được thị trường. 

Host Phan Minh Thu: Để tổng kết lại và có vài điều tổng kết gửi đến các bạn làm nghề thì Dũng có thể chia sẻ một vài keynote được không? 

Anh Trần Anh Dũng: Đã là dân Marketing hay là dân Sales thì mình phải làm những điều mà chưa ai làm và khi mà nó chưa rõ ràng, chứ khi mà nó đã rõ ràng rành mạch rồi mình mới làm thì mình không phải người dẫn đầu, mình chỉ ăn theo thôi. Đó là cái mà em muốn chia sẻ với cộng đồng marketing. 

Và em cũng xin đúc kết một số kinh nghiệm làm sao để sử dụng TikTok hiểu quả, đó là:

  • Đầu tiên, để làm được TikTok thì mọi người phải hiểu về nền tảng đó. Khi hiểu nó thì mình mới ra được cái concept, cái nội dung, về mục đích của mình, lộ trình xây dựng kênh như thế nào. Để hiểu được thì mình có 2 cách. Một là dùng nhiều TikTok, hai là đi học. 
  • Thứ 2, mình phải duy trì tương tác với khách hàng. Làm sao để mình duy trì được tương tác, đó là chúng ta phải livestream. Đó là xu thế. 
  • Thứ 3, mình phải trở thành KOC trong lĩnh vực trên TikTok chứ không phải một kênh bán sản phẩm. Còn sau này khi TikTok phát triển lên 1 level mới như ecommerce chẳng hạn, thì lúc đó mình cũng sẽ phát triển lên. Còn hiện tại thì chúng ta nên là một KOC trên TikTok. 

Hiện tại nếu mọi người muốn xây kênh trên TikTok thì nó đang dễ, vì hiện tại TikTok đang thiếu nội dung nên nó sẽ lặp đi lặp lại những video của mình. Tức là tần suất user thấy video của mình lặp lại nó khá là nhiều. Nên nếu bây giờ mình không xây kênh mà đợi đến 1 năm sau, thì đã là muộn.

Host Phan Minh Thu: Vậy còn anh Tùng, không biết anh có thể gửi tới các bạn theo dõi chương trình của chúng ta một bài lời đúc kết sau buổi trò chuyện vừa rồi không? 

Anh Phạm Vũ Tùng: TikTok là một trong những công cụ rất là hay, mới mẻ, có tính khách biệt cao. Khi bộ phận marketing của các công ty mà tận dụng được nó tốt thì chúng ta sẽ làm được tốt một số việc sau đây: 

  • Đầu tiên là chúng ta có thể xây dựng được thương hiệu, định vị thương hiệu, làm branding theo một hướng hoàn toàn mới. Trước đây chúng ta vẫn làm thương hiệu, có gì show đấy. Nhưng hiện nay với TikTok, nếu chúng ta làm vậy sẽ bị out ngay lập tức. Vậy các bạn phải sáng tạo, phải làm sao mang thông tin thương hiệu của mình đến với khách hàng tốt nhất. 
  • Thứ 2, về feedback của khách hàng đối với mình nó rõ ràng hơn bao giờ hết thông qua tương tác. Mà tương tác lại đẻ ra tương tác nên là feedback đó rất tốt. Từ đó chúng ta có thể tiến hành các hoạt động về thương mại, có thể tiến hành livestream, … Sau này nền tảng TikTok sẽ đáp ứng được những gì mà doanh nghiệp cần, vừa xây dựng được thương hiệu, vừa làm được thương mại. Nhưng chúng ta phải đầu tư xứng đáng cho nó, phải học hỏi, phải hiểu được nền tảng này thì mới thành công được. 

Host Phan Minh Thu: Vâng em xin được cảm ơn anh Tùng. Bao giờ thì smart cost nó cũng hay hơn small cost đúng không ạ? 

Hy vọng cuộc trò chuyện về bí kíp cưỡi kỳ lân TikTok của chúng tôi ngày hôm nay mang đến nhiều điều thú vị cho mọi người. 

Chương trình của chúng tôi có lịch phát sóng định kỳ là vào thứ 7 tuần cuối cùng của tháng. Nhưng do tháng này chúng ta có ngày nghỉ 30/4 – 1/5 nên tháng này chúng tôi sẽ livestream sớm và phát lại vào 9h30 ngày 1/5 trên fanpage của CSMO Việt Nam và Senplus. CSMO Việt Nam rất cảm ơn sự quan tâm và hợp tác đến từ rất nhiều nhãn hàng, gần đây nhất là sự ủng hộ từ phía Coca Cola Việt Nam và AlphaBook. 

Tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn ở những số sau của Cafe thực chiến. 

Sau đây là một số câu hỏi anh Trần Anh Dũng trả lời trong thời gian livestream:

  1. Chiến lược xoay quanh việc tương tác với khách hàng?
  2. Những yếu tố ảnh hưởng tới lượt tiếp cận video trên TikTok?
  3. Các loại video trên TikTok và thế mạnh của từng loại video là gì?
  4. Hướng dẫn quảng cáo trên TikTok?

Mời các bạn xem video dưới đây để biết thêm câu trả lời:

*CSMO Việt Nam và Senplus giữ bản quyền nội dung này

LIÊN HỆ ĐỂ CÓ THÊM THÔNG TIN VÀ ĐĂNG KÝ TRỞ THÀNH KHÁCH MỜI CHƯƠNG TRÌNH

  • Ms.Diệp: 0833220003 (Thư ký chương trình)
  • Ms.Hà: 0326550448 (Thư ký CLB CSMO Việt Nam)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *