Marketing trong công nghệ thực tại tăng cường & thực tại ảo

Công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) đang dần phổ biến hiện nay. Từ phim ảnh, trò chơi thực tế ảo cho đến các lĩnh vực như bất động sản, thiết kế nội thất cũng được “ảo hoá” để tạo trải nghiệm chân thật hơn cho người dùng. Đặc biệt, công nghệ AR – VR cũng được sử dụng trong marketing và bán hàng. Cùng tìm hiểu ngay thôi nào!

Digital marketing trong thời đại thực tại tăng cường AR

(Phạm Ngọc Mai Anh)

Digital marketing trong AR

AR là một công nghệ gần gũi, được ứng dụng nhiều trong thực tiễn. Có thể lấy ví dụ, thương hiệu thời trang Boo với dòng áo Boo tinh nghịch đã ứng dụng AR để marketing truyền tải nhân vật. Họ dùng ứng dụng quét hình ảnh nhận diện trên áo sẽ hiện lên nhân vật Bu bằng công nghệ 3D. Bởi AR đưa nhân vật ảo vào thế giới thật, mang lại trải nghiệm tương tác với sản phẩm thật bằng trải nghiệm ảo.

Hay như ứng dụng Into Thin Air, một dự án của UNESCO và đại sứ quán Hà Lan. Ý tưởng ở đây là nhiều năm nữa, nếu Hà Nội có thay đổi, thì giá trị văn hóa vẫn ở lại bởi công nghệ nhận diện bằng GPRS thay vì hình ảnh như Boo. Đó là lý do khi mở bản đồ Hà Nội với các địa điểm danh lam thắng cảnh, bạn chỉ cần click vào để trải nghiệm. Chẳng hạn như tại Ô Quan Chưởng, có một điệu múa truyền thống của vũ công Vũ Khải; tại chợ Đồng Xuân, bạn chỉ cần đưa ứng dụng hướng lên trần nhà sẽ thấy bức tranh thủy mặc. Những tiểu thương vất vả mưu sinh khi ngước lên nhìn bầu trời sẽ cảm thấy thanh thản yên bình.

Điều đó cho thấy công nghệ luôn là một công cụ để thỏa mãn giấc mơ, vấn đề chỉ còn là sức sáng tạo. Vì vậy, bạn hãy cứ sáng tạo và để công nghệ đi theo thỏa mãn giấc mơ của mình.

Marketing trong AR-VR: ảo như thật

(Nguyễn Cao Cường)

Marketing trong AR-VR: ảo như thật

Với Broadcast AR, bạn hoàn toàn có thể biến những điều không thể thành có thể. Chẳng hạn Pepsi Max có hình ảnh những trạm xe bus xuất hiện những con quái vật. Lindt có hình ảnh thiên thần xuất hiện giữa đường phố London… Những video này đã giúp kết nối môi trường ảo với không gian thật, thu hút đám đông. Chúng mang đến trải nghiệm mới, tăng tính chân thực cho trải nghiệm khách hàng. Tuy nhiên, để đảm bảo thành công thì bạn phải xác định đúng khách hàng mục tiêu, thông điệp và định vị.

Với ưu điểm trực quan qua mô phỏng 3D, tiết kiệm chi phí cho nhà bán hàng, dễ dàng chốt sale, AR-VR có thể là công cụ hỗ trợ bán hàng hiệu quả cho các công ty trong lĩnh vực bất động sản, nội thất. Thay vì đến showroom, khách hàng chỉ cần sử dụng app để đánh giá về hình dáng, màu sắc, kích thước sản phẩm, từ đó tiến hành chọn lựa và ra quyết định. Chẳng hạn như với ứng dụng AR Magento, khi bạn truy cập vào trang web nội thất, click vào món đồ, thì điện thoại tự chạy ứng dụng AR đo đạc kích thước căn phòng và đánh giá xem nội thất có phù hợp hay không. Như vậy, bằng AR, doanh nghiệp có thể giảm không gian trưng bày, mà quan trọng là khách hàng vẫn có được trải nghiệm dễ dàng, thú vị.

Hiện thực hóa tương lai

(Tuấn Đinh)

Hiện thực hóa tương lai

Ứng dụng công nghệ AR-VR có thể kết nối khách hàng với không gian trong tương lai. Đồng thời, nhìn thấy được các sản phẩm chưa hiện hữu trong thực tại. Có những lĩnh vực rất khó để người mua (và cả người bán) nhìn thấy sản phẩm. Nhưng trong thực tế, nhu cầu trải nghiệm luôn là một đòi hỏi tất yếu. Khách hàng mong muốn được nhìn thấy sản phẩm để có căn cứ ra quyết định. Đặc biệt là với những mặt hàng giá trị cao (ô tô, nhà).

“Tại sao kiến trúc sư, chủ đầu tư, và khách hàng luôn bất đồng, đề phòng lẫn nhau?” Tôi cho rằng, sự bất đồng là do suy nghĩ, năng lực, kinh nghiệm của mỗi bên đều khác nhau. Việc ứng dụng giải pháp hiện thực hóa những gì trong tưởng tượng sẽ giúp 3 bên có cùng chung tiếng nói. Họ sẽ cùng nhìn thấy vấn đề, thông tỏ quan điểm, và cùng tăng cường trải nghiệm.

Theo nghiên cứu về kim tự tháp học tập, khi người ta trải nghiệm, mức độ nhận thức tăng 75%. Sau khi trải nghiệm sản phẩm trong môi trường ảo, người mua hài lòng hơn khi sản phẩm thực đáp ứng được kỳ vọng ban đầu. Vấn đề chỉ còn là phải sử dụng công nghệ thực tế ảo chính xác với thực tế, không phóng đại, khoa trương thiếu chân thực, mà cần quan tâm tới nội dung và tính sáng tạo. Nếu kết hợp tốt công nghệ với nội dung, chúng ta có thể gắn kết khách hàng với thương hiệu, tạo niềm tin cho khách hàng.

AR-VR, mạng xã hội, và xu hướng marketing

(Trần Tùng)

Kỷ nguyên marketing 4.0 mang đa sắc thái bao gồm logic marketing, cảm xúc, dữ liệu, kết nối. Trong đó, AR-VR mang tính chất đổi mới, nhập vai, tương tác, hiện hữu, tập trung. Tại hội nghị F8 của tập đoàn Facebook, Mark Zuckerberg đã đưa ra lộ trình 10 năm phát triển Facebook dành cho AR.

Cụ thể cuối 2016, thêm Instagram, 5 năm tiếp theo tập hợp tất cả kênh mạng xã hội. Còn đến năm thứ 10, lộ trình hoàn thiện kết nối tốt. Lấy ví dụ, kính thực tế ảo của Facebook chạy trên nền tảng YouTube cho phép xem hàng ngàn bộ phim, clip 360. Khi hai mạng xã hội lớn nhất thế giới đã ứng dụng AR-VR, trải nghiệm người dùng và dữ liệu sẽ tạo nên xu hướng cho người làm marketing sau này.

 

Nguồn tham khảo: Bài viết tham khảo từ “ỨNG DỤNG MARKETING CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHỆ THỰC TẠI TĂNG CƯỜNG & THỰC TẠI ẢO” – nhiều tác giả trong ấn phẩm CREATECH – CUỘC HÔN PHỐI GIỮA SÁNG TẠO & CÔNG NGHỆ của CSMO 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *