PHẦN 3: TAKE AWAY – BÍ KÍP SINH TỒN CỦA DOANH NGHIỆP
Phần này ghi lại những tổng kết từ chính các diễn giả về bí kíp “Sinh tồn” của doanh nghiệp để ứng biến trước khủng hoảng của xã hội.
Ông Trần Tuấn Việt:
Đối với doanh nghiệp, để sinh tồn thì phải thích nghi. Vì chúng ta không thể biết những đợt sóng khó khăn sắp tới là gì. Cách đây 10 năm là khủng hoảng tài chính tiền tệ. Năm nay là khủng hoảng y tế dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Mỗi năm khó khăn lại muôn hình vạn trạng.
Bí kíp sinh tồn mà tôi quan sát được từ các doanh nghiệp là họ thường xuyên cập nhật vũ khí mới có phổ tồn tại rộng. Vũ khí hiện nay chính là công nghệ.
Trước đây chỉ các doanh nghiệp lớn mới cần công nghệ, nhưng giờ đây tiểu thương cũng cần công nghệ, phải biết kinh doanh online. Agency cũng phải dựa trên công nghệ mới sống được.
Về mặt nghề marcom nói chung: bí quyết là đi đầu. Không đi đầu trên sóng to thì đi đầu sóng nhỏ. Thứ hai là phải hỗ trợ và nhận được hỗ trợ từ đội kinh doanh. Vì mọi hoạt đồng truyền thông, thương hiệu, marketing cuối cùng phải có đích đến là kinh doanh.
Ông Lê Quốc Vinh:
Công nghệ đang thay đổi rất nhiều trong hoạt động truyền thông, marketing, thay đổi cách thức chúng ta suy nghĩ về marketing, quảng bá thương hiệu, quảng cáo và truyền thông. Nhưng trong sự tiến triển của nhiều sự kiện, nhất là trong xu thế cảm thấy bất định, khó lường trước về tương lai thì sự kết nối con người với con người còn quan trọng hơn cả ứng dụng công nghệ để tiệm cận số đông người tiêu dùng.
Phải ứng dụng công nghệ ngày hôm nay như công cụ để kết nối con người với nhau. Công nghệ càng phát triển thì nhu cầu kết nối trực tiếp giữa con người thật, đại diện cho thương hiệu với khách hàng lại càng quan trọng hơn nữa.
Ngày nay làm marketing không phải chỉ nhắm đến cộng đồng khách hàng ở số lượng lớn mà cần tiếp cận, đối thoại, thấu hiểu từng con người trong hệ sinh thái của mình, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ. So với doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp quy mô nhỏ dễ tiếp cận trực tiếp và tìm hiểu khách hàng của mình hơn.
Trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng càng quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng như thế này. Càng thể hiện trách nhiệm xã hội cao bao nhiêu thì càng chiếm được cảm tình, tình yêu của khách hàng. Từ đó, thương hiệu sẽ có uy tín, niềm tin vững chắc trong lòng khách hàng. Đó là cách giữ chân khách hàng tốt nhất ngày hôm nay và là nền tảng để sinh tồn, có khả năng, cơ hội phát triển tiếp tục trong thời gian tới.
Bà Đặng Thúy Hà:
Mặt tích cực, Covid cho thấy mô hình kinh doanh có đủ linh hoạt để chống chọi với bất thường xảy ra hay không? Điều này liên quan đến câu chuyện chiến lược. Nếu không chuẩn bị cho điều này thì sẽ bị đánh và bị đánh nhiều hơn.
Tôi đồng ý với quan điểm: Mô hình này không thể thiếu công nghệ. Đây là lúc cần đầu tư vào công nghệ trong mô hình kinh doanh.
Về góc độ xu hướng thị trường, Việt Nam không dẫn đầu về sáng kiến nhưng có khả năng đi theo và bắt kịp rất nhanh. Do đó, hãy nghiên cứu những xu hướng ở nước ngoài để tìm kiếm và điều chỉnh cho phù hợp với Việt Nam.
Công nghệ không thể thay thế con người. Công nghệ là công cụ giúp kết nối, giao tiếp với khách hàng. Nhưng cách và nội dung giao tiếp vẫn cần khối óc, bàn tay của con người. Cần hiểu sâu khách hàng, hiểu lý do dẫn đến hành vi chứ không chỉ hiểu hành vi thì mới tìm được sợi dây liên kết, đồng cảm của khách hàng.
Hãy cân nhắc về những lời hước thương hiệu. Một khi đã cam kết thì cần có phương thức thực hiện thực tế.