HỘI THẢO “ĐỔI MỚI ĐỂ VƯƠN MÌNH TRONG KỶ NGUYÊN MỚI”

Câu lạc bộ Giám Đốc Sales & Marketing Việt Nam (CSMO Việt Nam) đã chính thức đón chào năm 2025 bằng một sự kiện thành công và đầy hứng khởi trong Ngày hội “Thương hiệu Vàng TP. Hồ Chí Minh”. Sự kiện khai mạc vào sáng 3/1 tại GEM Center với hội thảo “Đổi mới để vươn mình trong kỷ nguyên mới” trong khuôn khổ chương trình Thương hiệu Vàng – do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chủ trì, báo Tuổi Trẻ phối hợp CSMO tổ chức.

Nghĩ lớn, nhìn xa, xây dựng thương hiệu toàn cầu

Trong tham luận mở đầu buổi hội thảo, chuyên gia kinh tế Sam Korsmoe đã giới thiệu quá trình nghiên cứu và mục tiêu của cuốn sách “Việt Nam – Ngôi sao đang lên của châu Á” do ông và Brook Taylor đồng biên soạn. Hai tác giả đã dành nhiều năm để tìm cách lý giải những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong 25 năm liên tiếp. Cuốn sách cũng cố gắng trả lời câu hỏi Việt Nam cần những động lực nào để duy trì đà tăng trưởng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và trở thành “con hổ kinh tế” tiếp theo ở Châu Á? Liệu mục tiêu đó có thể đạt được nếu tiếp thu bài học từ Hàn Quốc và Đài Loan hay không? 

Ông Sam Korsmoe nhấn mạnh rằng chúng ta cần nghĩ lớn (think big), mơ xa và kiên trì theo đuổi mục tiêu vươn mình. Để đạt được điều đó, phải có ý thức đầu tư cho tương lai, với vai trò dẫn dắt của các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ,… để từ một trung tâm sản xuất trở thành một cường quốc đổi mới, trao quyền cho thế hệ tiếp theo, tăng trưởng bền vững, xây dựng thương hiệu toàn cầu, tạo ảnh hưởng văn hóa trên sân khấu thế giới và chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực. 

Anh Lê Quốc Vinh Chủ tịch HĐQT LeBros, người điều hành phần thảo luận sau đó nhận xét rằng bài tham luận của Sam Korsmoe đã đặt ra một tiền đề xứng đáng cho hội thảo. 

Bài tham luận thứ hai do anh Lê Trí Thông Tổng giám đốc PNJ trình bày, chia sẻ những kinh nghiệm quý giá được đúc kết từ hành trình 12 năm tái tạo để vươn tầm của thương hiệu PNJ, quả thực sắc bén, thuyết phục và đầy cảm hứng.

Cùng với sự dẫn dắt vừa thẳng thắn vừa nhã nhặn của anh Lê Quốc Vinh, bốn vị khách mời trong phần thảo luận tiếp theo đã bổ sung cho nhau theo cách rất tuyệt vời, khi chia sẻ bốn khía cạnh quan trọng trong chiến lược đổi mới toàn diện.

Chị Lê Quang Thục Quỳnh, CEO Trung tâm Anh Văn Hội Việt Mỹ (VUS) chia sẻ kinh nghiệm đổi mới từ tư duy quản trị song hành cùng định hướng mới trong việc dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam. 

Chị Trần Phương Nga, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thiên Long chia sẻ kinh nghiệm đổi mới với mục tiêu mở rộng hệ sinh thái sản phẩm cũng như tệp khách hàng nhằm phục vụ hành trình học hỏi trọn đời.

Anh Nguyễn Quang Trí, Giám đốc Điều hành Marketing Vinamilk chia sẻ về những bước đi thận trọng nhưng táo bạo trong việc đổi mới nhận dạng thương hiệu, thay đổi cách tiếp cận thế hệ người tiêu dùng mới theo hướng cá nhân hoá của thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam.

Và anh Trần Quốc Bảo PTGĐ Tập đoàn KIDO kiêm CEO kênh thương mại điện tử E2E chia sẻ về chiến lược đổi mới kênh phân phối nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng dài hạn.

Bắt mạch thị trường, nhấn nút tái tạo

Bài tham luận của anh Lê Trí Thông chia sẻ những kinh nghiệm quý giá được đúc kết từ hành trình 12 năm tái tạo để vươn tầm của thương hiệu PNJ. Một hành trình ấn tượng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu, lợi nhuận, giá trị thương hiệu cũng như vị thế ngày càng nâng cao và vững chắc trong lòng khách hàng. 

“Khi thị trường vươn mình và khách hàng vươn tầm”, thương hiệu phải nhấn nút tái tạo. Nếu việc quản trị tái tạo được ví như sử dụng điện thoại thông minh, Lê Trí Thông nói, chúng ta phải cân nhắc giữa việc liên tục cài thêm app hay ưu tiên nâng cấp hệ điều hành. PNJ đã chọn cách bền vững hơn là nâng cấp hệ điều hành trước khi cài thêm app. 

Chiến lược tái tạo được ví như cuộc phẫu thuật, có hy vọng, niềm tin và chắc chắn có cả những rủi ro cũng như tiên lượng sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động của doanh nghiệp. PNJ đã chọn cách mổ nội soi lần lượt từng bộ phận, với một kế hoạch được lập trình kỹ lưỡng, thay vì đại phẫu theo kiểu mổ hở. Quá trình tái tạo diễn ra mà không làm trì hoãn hoạt động và giảm thiểu được rủi ro. PNJ có bộ phận đang F5 lần thứ nhất. Nhưng có bộ phận đã F5 lần thứ ba. 

Mặt khác, cần nhận ra rằng rào cản lớn nhất đối với việc đổi mới chính là hào quang thương hiệu và cũng như mô hình cũ đã từng thành công, được ví như hệ miễn dịch tạo ra sự đề kháng vững chắc trước những cái mới, thậm chí tấn công bất cứ yếu tố mới lạ nào. Hệ thống càng lớn và càng vững, hệ miễn dịch càng mạnh và càng khó đổi mới. 

Con người trước, công nghệ sau

Các lãnh đạo cũng cho biết rằng cách để họ tiến hành đổi mới là bắt đầu với con người.  

Chị Thục Quỳnh tiết lộ châm của VUS là “con người trước, công nghệ sau”, bởi vì “thương hiệu của một tổ chức giáo dục nằm trong nhân hiệu, thể hiện qua hoạt động, ứng xử, giao tiếp hàng ngày của nhân viên”.

Chị Phương Nga cũng chia sẻ Thiên Long đã thực hiện đổi mới theo 3 bước tuần tự ưu tiên con người: Năm thứ nhất tập trung quản trị thay đổi nhân sự, năm thứ hai thay đổi thương hiệu, sau đó mới thay đổi hệ thống để năm thứ tư triển khai chiến lược mở rộng. Việc thay đổi nhân sự đem lại cho chị những bài học quan trọng, một trong số đó là “Văn hoá còn quan trọng hơn chuyên môn” đối với tuyển dụng nhân sự. Quá trình đổi mới tại Thiên Long do đó cũng đã bắt đầu bằng giao tiếp thuyết phục và duy trì liên tục, dành rất nhiều thời gian để chia sẻ động viên, phân tích thất bại nhiều hơn thành công, nhằm giúp nhân viên hiểu rõ sứ mệnh và mục tiêu chung, hình dung cái giá của đổi mới, và chấp nhận những điều đó một cách hạnh phúc trong quá trình thực hiện. 

Anh Quang Trí chia sẻ thêm: Mặc dù đã xác định được giá trị cốt lõi của thương hiệu, di sản quý giá cần giữ lại: Đó là chữ CARE – sự chăm sóc. Nhưng đến nay Vinamilk vẫn chưa công bố slogan mới cho giá trị này. Thương hiệu lớn và đứng ở vị trí số 1 như Vinamilk khó có thể thay đổi, nhưng đã thay đổi, phải thay đổi. Tuy nhiên, hệ thống càng lớn, sự chuẩn bị càng phải kỹ lưỡng. Thương hiệu có thông điệp, còn phải quan tâm khách muốn nghe theo cách nào, thể hiện sự trân trọng đối với khách hàng. Đó chính là CARE. 

Một hình thái mới của niềm tin

Có một từ khoá nổi bật trong tham luận của anh Lê Trí Thông. Đó là Niềm tin. Sự phát triển của một thương hiệu được xây dựng trên niềm tin khách hàng và cả đội ngũ nhân viên. Khi nói đến niềm tin, chúng ta dễ hình dung một điểm tựa vững chắc, sự trung thành không thay đổi dù có biến cố gì, như thành ngữ “niềm tin sắt đá”. 

Điều đáng nói là, theo lãnh đạo PNJ, câu chuyện niềm tin từ Gen X đến Gen Y và Gen Z đã rất khác. 

Những yếu tố để tạo dựng niềm tin trong lòng khách hàng đã thay đổi. Đối với những thế hệ trước, niềm tin được nuôi dưỡng bằng hình ảnh ổn định ít thay đổi (và vì thế có phần bảo thủ) của thương hiệu, cùng những minh chứng xác thực như các giải thưởng. Trong khi thế hệ sau tin tưởng những gì luôn đồng hành với họ qua từng bước chuyển hoá trong suy nghĩ và lối sống. Có nghĩa là, thương hiệu phải sẵn sàng và thực sự thay đổi cùng với khách hàng thì mới giữ được niềm tin. 

Có thể thấy, Niềm tin và Phong cách là hai triết lý bền vững của thương hiệu PNJ, đồng thời luôn tiến hoá và biến hoá để bắt nhịp cùng những thay đổi về tư duy và lối sống của khách hàng ở mỗi thời kỳ. 

Khi biến động từ khách hàng, thị trường trở nên nhanh chóng một cách tự nhiên, có nghĩa không ai bất ngờ với sự biến đổi nữa, khi đó, tư duy đổi mới cũng phải trở thành một quy luật trong vận hành doanh nghiệp. Nếu không sẵn sàng đổi mới, bạn phải chuẩn bị cho thất bại. 

Sự đổi mới không ngừng duy trì sinh khí cho thương hiệu. Nhìn rộng ra, sự đổi mới cũng là sinh khí của một đất nước đang đứng trước những cơ hội vươn mình. 

Cần sức mạnh cộng hưởng

Khi trả lời câu hỏi của anh Lê Quốc Vinh, về việc các doanh nghiệp VN gặp phải những thách thức gì trong việc giúp cho đất nước bứt lên thành con hổ kinh tế, ông Sam Korsmoe thừa nhận đó là câu hỏi khó trả lời, dù rằng “Tôi nghĩ tất cả quý vị ngồi đây đều có thể hiểu”. “Chúng ta cần Think Big – nghĩ lớn, ước mơ lớn và thực hiện chúng một cách bền bỉ” – ông Korsmoe nhấn mạnh.

Từ góc độ khác, cuốn sách “Việt Nam ngôi sao đang lên của Châu Á” gợi lên trong người đọc những suy nghĩ về việc cộng hưởng sức mạnh công tư, giúp soi chiếu định hướng phát triển của một công ty, một thương hiệu trong chiến lược phát triển của quốc gia. 

Hội thảo đã trình bày bức tranh thực tế, đa dạng và toàn diện về kinh nghiệm đổi mới sáng tạo, với nhiều gợi ý hữu ích cho các thương hiệu cùng hướng tới mục tiêu đổi mới để vươn mình.

Quý vị có thể xem thêm nội dung chuyên sâu tại các bài viết chuyên trang của Báo Tuổi trẻ: “Đổi mới để đưa Việt Nam thành ‘con hổ kinh tế’ mới của châu Á”Hành trình ‘trẻ hóa’ của các thương hiệu hàng đầu Việt Nam

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Giải thưởng “Thương hiệu vàng TP.HCM” lần thứ 5 và mở màn cho chuỗi chương trình “Đi cùng thương hiệu: Walk & Talk” mùa 3 năm 2025.

-Người viết bài: Đông Vy – Phó Ban Nội dung CSMO Miền Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *