RECAP: TRÒ CHUYỆN CÙNG YVES PIGNEUR – TÁC GIẢ CỦA BUSINESS MODEL CANVAS]

Sự kiện “Trò chuyện cùng Yves Pigneur, tác giả của Business Model Canvas” do CSMO và Alphabooks đồng tổ chức vào ngày 25/10/2021 đã đem lại kiến thức giá trị, những chiến lược sáng tạo, giúp các doanh nghiệp Việt Nam phần nào mở ra góc nhìn về cơ hội mới để phục hồi và tăng trưởng. Sự kiện với sự góp mặt của ba diễn giả đặc biệt:

  • Giáo sư Yves Pigneur – cha đẻ mô hình Business Model Canvas
  • Giáo sư Bùi Xuân Tùng – Giám đốc ĐH Hawaii Executive MBA tại Việt Nam.
  • Ông Đoàn Đức Thuận – Chuyên gia Đổi mới sáng tạo, phó TGĐ Owen Fashion

Và người dẫn dắt chương trình: Bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang – Giám đốc Tư vấn, Công ty FPT Digital, Phó chủ tịch CSMO.

=====================================

Dưới đây là những ghi nhận nội dung đã chia sẻ trong chương trình, mời các bạn theo dõi:

MÔ HÌNH KINH DOANH CANVAS VÀ KHÁI NIỆM “DOANH NGHIỆP BẤT BẠI” (INVINCIBLE COMPANY)

Quá trình tìm kiếm mô hình kinh doanh với bất kỳ doanh nghiệp khởi nghiệp nào đều là con đường đầy khó khăn, thách thức. Với mong muốn hình thành ý tưởng xây dựng một mô hình kinh doanh phù hợp cho doanh nghiệp, tác giả Yves Pigneur cùng Alexander Osterwalder đã nghiên cứu và phát triển ra bộ công cụ trực quan lớn để mô tả, đánh giá cấu phần của một doanh nghiệp, đó chính là Mô hình kinh doanh Canvas (BMC) gồm 9 ô ứng với 9 thành tố cơ bản: Customer Segment (CS) – Phân khúc khách hàng; Value Propositions (VP) – Giải pháp giá trị; Channels (CH) – Các kênh kinh doanh; Customer Relationships (CR) – Quan hệ khách hàng; Revenue Streams (R$) – Dòng doanh thu; Key Resources (KR) – Nguồn lực chủ chốt; Key Activities (KA) – Hoạt động trọng yếu; Key Partnerships (KP) – Các đối tác chính; Cost Structure (C$) – Cơ cấu chi phí.

Đối với những công ty đang tồn tại, thay vì tìm kiếm ý tưởng mới để tạo mô hình kinh doanh, các công ty nên thực thi song hành 2 hoạt động là explore: khám phá để tìm ra mô hình kinh doanh mới thay thế cho mô hình kinh doanh hiện tại không còn hiệu quả và exploit: khai thác những mô hình họ đã xây dựng trước đó. Một doanh nghiệp có thể tồn tại vững chắc cần như một người thuận cả hai tay, vừa khám phá tốt vừa khai thác tốt. Và những doanh nghiệp làm được như vậy được coi là doanh nghiệp bất bại (invincible company) hay doanh nghiệp có tính kiên cường và khả năng phục hồi cao (resilient company); họ luôn luôn đổi mới bản thân; cạnh tranh trên mô hình doanh nghiệp ưu việt và vượt qua rào cản, ranh giới của ngành nghề.

XÂY DỰNG DOANH NGHIỆP BẤT BẠI NHƯ THẾ NÀO?

Ba chiến lược để xây dựng một doanh nghiệp có tính kiên cường và khả năng phục hồi cao (resilient company) được giáo sư Yves Pigneur chia sẻ gồm:

  1. Cạnh tranh trong mô hình doanh nghiệp

Để tăng tính cạnh tranh, các công ty cần khám phá và khai thác những mô hình sáng tạo, sự sáng tạo có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau như khách hàng, nguồn lực/đối tác, hay tài chính. Định nghĩa mô hình sáng tạo là cấu hình lặp đi lặp lại của những cấu phần dựng nên mô hình doanh nghiệp khác nhau nhằm củng cố mô hình kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể sáng tạo theo mô hình đổi mới hoặc mô hình chuyển đổi.

  1. Quản lý danh mục sáng tạo

Để xây dựng công cụ trực quan hoá hành trình tìm kiếm đổi mới, tăng trưởng cải thiện mô hình doanh nghiệp, tác giả cung cấp sơ đồ đánh giá yếu tố dựa trên hai danh mục khai thác và khám phá.  

Danh mục khai thác: Đánh giá yếu tố Return (mang lại nguồn lợi) and Risk (rủi ro). Theo đó, đối với những hoạt động kinh doanh có mức độ rủi ro cao, doanh nghiệp nên tìm cách cải thiện, nếu mức độ kinh doanh quá mạo hiểm, doanh nghiệp nên xem xét loại bỏ đầu tư, còn đối với nhóm rủi ro thấp thì nên đầu tư mua thêm để tiếp tục xây dựng.

Danh mục khám phá: Đánh giá 2 yếu tố Design (thiết kế) và Test (thử nghiệm). Hoạt động thiết kế giúp tăng lợi nhuận mong đợi, doanh nghiệp cần tìm kiếm ra ý tưởng mới, thiết kế sản phẩm mẫu sau đó đánh giá chúng. Thêm đó, hoạt động thử nghiệm giúp giảm rủi ro sáng tạo, doanh nghiệp cần đưa ra giả thuyết, thử nghiệm, thu thập minh chứng kiểm tra, từ đó đưa ra chính sách giữ mô hình tốt hoặc loại bỏ mô hình kinh doanh không phù hợp.

  1. Nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo

Để nắm thế chủ động trong mọi tình huống biến động từ thị trường, mỗi doanh nghiệp nên đặt văn hóa sáng tạo là một phần giá trị cốt lõi, từ đó xây dựng và nuôi dưỡng chúng. Văn hóa sáng tạo này được chia thành hai thành tố là văn hóa khai thác và văn hóa khám phá. Văn hóa khai thác là việc trân trọng hoạt động quản lý, cải thiện có hệ thống tăng trưởng hoạt động kinh doanh đang tồn tại. Còn văn hóa khám phá đề cập đến việc phát hiện ý tưởng mới, khám phá, xác thực và thúc đẩy các ý tưởng mới lạ đối với một tổ chức.

Đối với một sơ đồ văn hóa, các doanh nghiệp cần xác định kết quả mong muốn là gì, những hành vi nào cho phép chúng ta đạt được kết quả mong muốn đó và cuối cùng là xác định những yếu tố thúc đẩy và kìm hãm chúng ta đạt được mục tiêu. Tóm lại, việc nuôi dưỡng nền văn hóa sáng tạo giống như nuôi một vườn cây, doanh nghiệp nếu xác định được rõ động lực kiến tạo nên thay đổi (gốc) thì sẽ thu đc kết quả mong đợi (hoa).

Ba yếu tố thúc đẩy văn hóa sáng tạo được đưa ra trong buổi trò chuyện gồm

  • Hỗ trợ lãnh đạo: sự hướng dẫn mang tính lược, sự quản lý hồ sơ, phân bổ nguồn lực, cung cấp tiền cho các hoạt động sáng tạo.
  • Thiết kế tổ chức: doanh nghiệp phải có sự thừa nhận, chính thống, trao quyền cho dự án đổi mới trong công ty cũng như có những phần thưởng cho họ. Để có được bước đột phá, chống chịu lớn trong bối cảnh thay đổi, bên cạnh CEO – người khai thác mô hình kinh doanh hiện tại, cần có Chief Entrepreneur  –  người chịu trách nhiệm khám phá, kiến tạo mô hình kinh doanh mới. Hai người này đóng vai trò đối trọng trong một tổ chức. 
  • Thực hành đổi mới: Công cụ sáng tạo, sự phát triển kỹ năng. 

Sau khi tìm ra những yếu tố động lực tạo ra văn hóa sáng tạo trong doanh nghiệp, các công ty cần làm đánh giá tính sẵn sàng cho văn hóa đó theo ba yếu tố: việc cung cấp nguồn lực tài chính đúng lúc, đúng chỗ; sáng tạo cần được hiển thị rất rõ trong sơ đồ tổ chức của doanh nghiệp; khả năng triệt tiêu những mô hình ko hiệu quả càng sớm càng tốt.

MỘT SỐ Ý TƯỞNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

  1. Giải pháp sáng tạo để giải quyết một vấn đề

Những ý tưởng/ phát minh kể cả sáng suốt nhưng nếu không thành công áp dụng vào thực tế thì cũng là ý tưởng không mang lại tiền. Những phát minh này chỉ tốt nếu nó có thể giải quyết một vấn đề mà ai đó đang khao khát tìm ra giải pháp, và khi chúng mang lại lợi ích cho khách hàng/ công chúng thì sẽ giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh.

  1. Sáng tạo thông qua hợp tác chéo

Rất khó để các công ty đổi mới một cách đơn lẻ, họ cần tham gia, liên kết với nhiều loại đối tác khác nhau để có thêm nhiều ý tưởng và nguồn lực, một chiến lược tốt không nhất thiết cần sử dụng nhiều tiền hay đội ngũ lớn.

  1. Chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang tuần hoàn

Bắt nguồn từ bước nhảy trong nền kinh tế, các công ty cần suy nghĩ đến việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang tuần hoàn. Tức là hãy nghĩ về tương lai dài hạn bằng cách cố gắng tận dụng hợp lý nguồn tài nguyên của chúng ta: hạn chế chất thải, ô nhiễm, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, những nguyên tắc này sẽ rất hữu hiện để xây dựng tính bền vững  cho doanh nghiệp.

  1. Tạo một kho lưu trữ các phát minh

Việc tạo dựng kho lưu trữ những phát minh mới sử dụng để khám phá và khai thác từ đó ứng dụng trong đời sống Việt Nam. 

  1. Chương trình mentor cho những nhà sáng tạo trẻ

Không phải ý tưởng nào cũng tiềm năng và mang lại lợi nhuận, chúng ta cần có người đi trước chia sẻ trải nghiệm cho những nhà sáng tạo trẻ tuổi để họ có bài học và cải biến phù hợp. 

  1. Thể chế hóa việc kêu gọi đầu tư

Trên thực tế, số lượng tiền để đầu tư cho lượng ý tưởng khởi nghiệp tại Việt Nam rất ít, và rất khó để kêu gọi vốn tại Việt Nam. Vậy ý tưởng ở đây là nên tìm cách chính thức hóa kêu gọi vốn để tăng doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam

GÓC NHÌN CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRONG VẤN ĐỀ ĐỔI MỚI

Điều hướng sáng tạo thông qua lý tưởng tồn tại (Purpose – Driven Innovation) là một xu thế mà cả được áp dụng trên cả thế giới và Việt Nam, nó giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam xây dựng được lợi thế cạnh tranh, vươn lên và cạnh tranh với thương hiệu toàn cầu. Lý tưởng tồn tại (Purpose) được hiểu là bản chất cho sự tồn tại của doanh nghiệp, tại sao doanh nghiệp lại tồn tại và sự tồn tại này có ý nghĩa gì với cộng đồng, với khách hàng.

Trong khủng hoảng đại dịch Covid-19, chúng ta càng nói nhiều về lý tưởng tồn tại. Những công ty với lý tưởng tồn tại rõ ràng thì có thể chuyển đổi và đổi mới sáng tạo tốt hơn. Những đổi mới sáng tạo cần phải có lý tưởng để mang lời hứa của nó đi vào đời sống, trong khi đó để kết nối lý tưởng tồn tại thì cần có đổi mới sáng tạo thì mới ý tưởng.

Đối với thị trường Việt Nam, những đổi mới sáng tạo cần phải “đời”, càng “đời” càng tạo đc kết nối với thị trường, càng chân thành càng dễ tiếp cận. Những ý tưởng hay có thể đến từ bên trong và bên ngoài và để có được những đổi mới sáng tạo tốt thì hãy bắt đầu với chữ Why, doanh nghiệp hãy đi trả lời cho các câu hỏi như: mình đang làm gì, bán gì, khách hàng thực sự mua sản phẩm này để làm gì. Sau đó hãy tập trung vào con người, và tập trung vào lý tưởng tồn tại cốt lõi và hình thức đơn giản để cho phép sự sáng tạo đó diễn ra trong tổ chức.

*CSMO Việt Nam và Alpha Books giữ bản quyền nội dung này. Mọi sao chép vui lòng ghi rõ nguồn*

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *