Đổi mới mô hình kinh doanh – Tạo lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng đột phá

VÌ SAO CẦN ĐỔI MỚI MÔ HÌNH KINH DOANH?

Có thể nói Google chính là một biểu tượng kinh doanh thành công ở cấp độ toàn cầu. Nhưng ít ai biết rằng, trong quãng gian đầu hoạt động, Google đã gặp vô vàn khó khăn để tạo ra doanh thu từ việc bán thuật toán tìm kiếm của mình. Phải đến năm 2003, khi họ đưa ra Adwords, nền tảng quảng cáo trực tuyến dành cho các doanh nghiệp, thì hoạt động kinh doanh của họ mới thực sự cất cánh. Chính sự thay đổi trong mô hình kinh doanh này đã đưa Google trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến và giữ vững vị trí của mình trong vòng gần hai thập kỷ qua.

Đổi mới sản phẩm và dịch vụ là cần thiết và cần được liên tục thực hiện bởi doanh nghiệp để duy trì lợi thế kinh doanh của mình, nhưng đổi mới mô hình kinh doanh mới thực sự mang lại lợi thế cạnh tranh lâu dài hơn, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn.

Trong vòng 50 năm qua, tuổi thọ trung bình của mô hình kinh doanh đã giảm từ khoảng 15 năm xuống dưới 5 năm. Do đó, đổi mới mô hình kinh doanh hiện là một năng lực cần thiết cho các tổ chức đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng đột phá, phục hồi hoạt động kinh doanh cốt lõi tụt hậu hoặc bảo vệ chống lại sự gián đoạn hoặc suy giảm của ngành.

ĐỔI MỚI MÔ HÌNH KINH DOANH LÀ GÌ?

Theo Boston Consultancing Group (BCG), đổi mới mô hình kinh doanh là nghệ thuật nâng cao lợi thế và tạo ra giá trị bằng cách thực hiện các thay đổi đồng thời và hỗ trợ lẫn nhau đối với cả đề xuất giá trị (value proposition) của tổ chức đối với khách hàng và mô hình hoạt động cơ bản của tổ chức. Ở cấp độ đề xuất giá trị, những thay đổi này có thể giải quyết việc lựa chọn phân khúc mục tiêu, cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ và mô hình doanh thu. Ở cấp độ mô hình hoạt động, trọng tâm là làm thế nào để thúc đẩy lợi nhuận, lợi thế cạnh tranh và tạo ra giá trị thông qua các quyết định này về cách cung cấp đề xuất giá trị:

  • Thay đổi ở đâu trong chuỗi giá trị
  • Mô hình chi phí nào là cần thiết để đảm bảo lợi nhuận hấp dẫn
  • Cơ cấu tổ chức và năng lực nào là cần thiết để thành công

Đổi mới mô hình kinh doanh cũng rất quan trọng đối với việc chuyển đổi kinh doanh (Business Transformation). Nhiều tổ chức có chung mối quan tâm:

  • Loại hình đổi mới mô hình kinh doanh nào sẽ giúp đạt được hiệu quả đột phá?
  • Làm thế nào để tránh gây nguy hiểm cho hoạt động kinh doanh cốt lõi?
  • Làm cách nào để chúng ta xây dựng khả năng phát triển, nhanh chóng kiểm tra và mở rộng các mô hình mới?

Có rất nhiều tổ chức khiến cho quá trình này trở nên phức tạp và gây nguy hiểm cho tương lai của họ bằng cách không đổi mới những thứ phù hợp. Họ không lắng nghe khách hàng, nhân viên, thị trường hoặc toàn cảnh rộng hơn.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những sự đổi mới mang tính đột phá luôn xảy ra và nó sẽ không dừng lại. Ngày nay, việc tạo các mô hình kinh doanh mới và tiếp cận thị trường nhanh chóng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Không chỉ những các công ty lớn mới tạo ra những đổi mới mang tính đột phá, mà đôi khi sự đổi mới diễn ra trên toàn bộ lĩnh vực, đặc biệt trong cộng đồng khởi nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp thành công đã ra đời nhờ sự đổi mới trong mô hình hoạt động như Uber, Airbnb hay Facebook.

CÔNG CỤ ĐỔI MỚI MÔ HÌNH KINH DOANH – BUSINESS MODEL CANVAS (BMC)

Có rất nhiều công cụ sẵn có giúp cho doanh nghiệp thực hiện quá trình đổi mới mô hình kinh doanh của mình, một trong những công cụ phổ biến đó là Business Model Canvas (BMC) – Khung mô hình kinh doanh.

Business Model Canvas (BMC) – Khung Mô Hình Kinh Doanh là một công cụ xây dựng mô hình kinh doanh được thiết kế bởi Alexander Osterwalder và Yves Pigneur vào năm 2008. BMC gồm có 9 thành tố tương ứng với 9 trụ cột tạo nên tổ chức của một doanh nghiệp. Mục đích chính của nó là hỗ trợ công ty hợp nhất các hoạt động kinh doanh bằng cách minh họa các tiêu chí đánh đổi tiềm năng.

9 trụ cột trong mô hình kinh doanh Canvas đại diện cho 4 mặt chính của một đơn vị (Khách hàng, Thành quả, Cơ sở vật chất và Năng lực tài chính), bao gồm:

  1. Phân khúc khách hàng (Customer Segments)
  2. Đề xuất giá trị (Value Propositions)
  3. Kênh cung cấp (Channels)
  4. Quan hệ khách hàng (Customer Relationships)
  5. Dòng doanh thu (Revenue Stream)
  6. Nguồn lực chính (Key Resources)
  7. Các hoạt động chính (Key Activities)
  8. Đối tác chính (Key Partnerships)
  9. Cơ cấu chi phí (Cost Structure)

Khung mô hình kinh doanh (BMC) hiện là bộ công cụ tiêu chuẩn không chỉ được sử dụng bởi các công ty khởi nghiệp mà còn được yêu thích và sử dụng thường xuyên ở cả các công ty lớn như Apple, Microsoft, GE, Mastercard, Intel, EY, MasterCard. Mục tiêu của BMC là nhìn xa hơn các bảng tính, nghiên cứu thị trường và các dự báo tài chính. Mặc dù trọng tâm chính của BMC là thiết lập nền tảng cho mô hình kinh doanh của bạn, nó cũng giúp nâng cao hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi nó phát triển.

Bài và hình ảnh được Đỗ Quyên lược dịch, tham khảo và tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *